Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khách quốc tế đến Việt Nam: Kỳ vọng vượt mốc 18 triệu lượt

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỳ vọng này xuất phát từ kết quả của 11 tháng, đặc biệt là tháng 11 và các yếu tố tác động trong tháng 12.

Mục tiêu thu hút khách quốc tế đến Việt Nam khá cao, cả về lượng người đến, cả về chi tiêu của khách,... với mục tiêu tổng quát cùng với du lịch trong nước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Khách quốc tế đến Việt Nam cao nhất từ trước đến nay
Tháng 11/2019 ghi nhận mốc mới của du lịch Việt Nam với lượng khách quốc tế đạt trên 1,8 triệu lượt người, cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số khách quốc tế đến nước ta trong 11 tháng đạt gần 16,3 triệu lượt người. So với cùng kỳ năm trước, số khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng 15,4%, cao hơn mức cả năm 2019.
 Du khách quốc tế tham quan phố cổ Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Tăng trưởng số khách quốc tế đến việt Nam đạt được ở 4 châu lục: Châu Á đông nhất (chiếm 79,6%) và tăng cao nhất (18,2%); châu Phi chiếm tỷ trọng thấp nhất (0,3%), nhưng tăng cao thứ 2 (12,5%); châu Âu đông thứ hai (chiếm 12,2%) tăng 6,3%; châu Mỹ đông thứ ba (chiếm 5,5%) và tăng cao thứ hai (7,4%); châu Úc đông thứ tư (chiếm 2,5%) và giảm nhẹ (1%). Theo nước và vùng lãnh thổ, đông nhất là CHND Trung Hoa, tiếp đến là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Malaysia…
Số lượt khách quốc tế đến Việt Nam nếu tháng 12 đạt bằng tháng 11 thì cả năm 2019 sẽ đạt 18,1 triệu lượt người (số liệu thống kê lịch sử cho thấy, tháng 12 thường đạt cao hơn tháng 11, trong khi Tết Nguyên đán năm nay đến sớm hơn mọi năm).
Số lượt khách tăng cao do nhiều nguyên nhân: Do quan hệ đầu tư, thương mại tiếp tục tăng trưởng khá, tạo điều kiện cho khách đến từ các đối tác đầu tư, thương mại tăng mạnh; đầu tư trực tiếp (FDI) đạt quy mô lớn (như Hàn Quốc 4,35 tỷ USD, Trung Quốc 4,35 tỷ USD, Nhật Bản 2,7 tỷ USD, Hongkong 2,51 tỷ USD, Singapore 2,32 tỷ USD, Đài Loan 1,01 tỷ USD…); đầu tư gián tiếp (FII) có quy mô lớn và tăng cao, nhất là góp vốn mua cổ phần, cổ phiếu (11,2 tỷ USD, tăng 47,1%); xuất khẩu 11 tháng đạt quy mô lớn nhất từ trước tới nay (241,4 tỷ USD - gần bằng mức cả năm trước) và tăng 7,8%… Ngoài ra còn có nguyên nhân do chính sách, cơ sở hạ tầng về du lịch có sự cải thiện, giá cả rẻ, ẩm thực đa dạng, phù hợp và hấp dẫn…
Mỏ vàng trắng
Du lịch nói chung, đặc biệt là lĩnh vực thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, được ví như “mỏ vàng trắng”. Trước hết và rõ nhất là xuất khẩu dịch vụ du lịch (thu từ chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam) ước năm 2019 đạt trên 11,8 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay (kỷ lục cũ đạt được vào năm 2018 là 10,1 tỷ USD). Số tiền thu được từ xuất khẩu dịch vụ du lịch góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, làm tăng dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục mới, ổn định tỷ giá,…
Du lịch quốc tế không chỉ là tiền, mà quan trọng hơn đây là hình thức giới thiệu trực tiếp hình ảnh của Việt Nam với thế giới. Hình ảnh của Việt Nam trước hết bao gồm nhiều danh lam thắng cảnh thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hóa trải dài, rộng khắp mọi miền của đất nước, đã được phát hiện, tu tạo, trong đó có những danh lam, di tích nổi tiếng được xếp thứ hạng cao trên thế giới.
Hình ảnh của Việt Nam là đất nước từ việc trải qua nhiều cuộc chiến tranh liên tiếp, một trong những nước có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất thế giới, thông qua đổi mới, mở cửa nay đã trở thành nước có thu nhập trung bình, đang có khát vọng chuyển thành nước công nghiệp, nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Từ đó, tạo tiền đề cho việc mở cửa hội nhập, nhất là thu hút đầu tư, mở rộng quan hệ thương mại và nhiều mối quan hệ khác.
Du lịch quốc tế còn có tác động về nhiều mặt khác: Giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu người, nhất là những vùng ở xa trung tâm đô thị, khu công nghiệp, kể cả ở những vùng sâu, vùng xa; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của cả nước cũng như nhiều vùng miền.
Báo cáo năng lực cạnh tranh ngành lữ hành và du lịch 2019 vừa được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, Việt Nam đã tăng 4 bậc từ vị trí 67/136 lên 63/140; trong khi của Singapore giảm 4 bậc, Malaysia giảm 3 bậc, Lào giảm 3 bậc. Thứ bậc của Việt Nam cao hơn của Brunei (72), của Philippines (75), của Lào (97), của Campuchia (98).
Bên cạnh những kết quả tích cực, về mặt thu hút khách quốc tế đến Việt Nam cũng còn một số vấn đề cần giải quyết. Đó là, Việt Nam cần quan tâm đến quy hoạch điểm du lịch và phát triển sản phẩm du lịch; đa đạng hóa sản phẩm du lịch và thị trường nguồn khách; phát triển kỹ năng lực lượng lao động, đặc biệt là ngoại ngữ; tăng cường kết nối chuỗi giá trị du lịch trên cả nước, giữa các địa phương và ở địa phương; cải thiện quản lý luồng khách; nâng cao chất lượng và năng lực hạ tầng điểm du lịch; bảo vệ tài sản văn hóa và môi trường.

Du lịch nói chung, đặc biệt là lĩnh vực thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, được ví như “mỏ vàng trắng”. Trước hết và rõ nhất là xuất khẩu dịch vụ du lịch (thu từ chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam) ước năm 2019 đạt trên 11,8 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay (kỷ lục cũ đạt được vào năm 2018 là 10,1 tỷ USD).