Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khai mạc Phiên họp thứ 14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIV

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 11/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã khai mạc Phiên họp thứ 14 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Phiên họp diễn ra trong 8 ngày (từ ngày 11/9 - 20/9) với nhiều nội dung quan trọng trong việc xem xét, cho ý kiến về 10 dự án Luật, các Báo cáo công tác của Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC, các dự thảo Nghị định, Hiệp định khung, công tác giám sát... và cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội sắp tới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại Phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của 3 Dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến gồm các Dự án: Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).

Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 7 Dự án Luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp lần thứ 4 gồm các Dự án: Luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt; Luật An ninh mạng; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Cũng tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động đối ngoại; dự thảo Hiệp định khung giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ về hợp tác sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình; việc gia nhập Công ước Istanbul 1990 về chế độ tạm quản hàng hóa; về đề xuất ký Bản ghi nhớ về việc thực hiện “Thu hoạch sớm” Hiệp định Tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước tiểu vùng Mê Kông mở rộng; về kế hoạch kiểm toán năm 2018 của Kiểm toán nhà nước và về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XIV.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh biển”.
Nhấn mạnh Phiên họp sẽ tiến hành trong 8 ngày (từ ngày 11/9- 20/9), nhiều hơn 2 ngày so với dự kiến ban đầu do phát sinh thêm một số nội dung, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các cơ quan liên quan khẩn trương cho ý kiến, chuẩn bị các nội dung để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp này; cần đảm bảo để các nội dung này không chuyển sang Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 10 bởi khi đó sẽ rất gần với thời gian khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.