Khai mạc Triển lãm thơ trên gốm sứ và Vườn thơ trăm miền

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Triển lãm thơ trên gốm sứ gồm 15 thi phẩm nổi tiếng của các thi hào lớn đại diện cho nền thi ca đất nước 1.000 năm qua.

KTĐT - Triển lãm thơ trên gốm sứ gồm 15 thi phẩm nổi tiếng của các thi hào lớn đại diện cho nền thi ca đất nước 1.000 năm qua.

Chiều 27/2 (tức 14 tháng Giêng), Triển lãm thơ trên gốm sứ Bát Tràng và Triển lãm vườn thơ trăm miền đã khai mạc tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Hà Nội. 2 triển lãm này nằm trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.

Triển lãm thơ trên gốm sứ gồm 15 thi phẩm nổi tiếng của các thi hào lớn đại diện cho nền thi ca đất nước 1.000 năm qua, như Xuân Hiểu (Trần Nhân Tông), Hữu không (Từ Đạo Hạnh), Nguyên tiêu (Hồ Chủ tịch), Ba tiêu (Nguyễn Trãi), Tự tình (Hồ Xuân Hương), Thu điếu (Nguyễn Khuyến)…, được khắc trên 15 bình gốm sứ lớn.

Triển lãm cũng trưng bày 600 tác phẩm gốm sứ, gồm có bình, bọ, đĩa gốm, in 55 câu thơ hay của các tác giả hiện đại: Tế Hanh, Nguyễn Duy, Yến Lan, Phạm Tiến Duật, Trần Đăng Khoa, Chính Hữu do Hội Nhà văn Việt Nam chọn lựa.

Nghệ nhân gốm Vũ Đức Thắng, Giám đốc Công ty Hồn Đất Việt, là người thực hiện việc đưa các thi phẩm lên trên các tác phẩm gốm sứ cho biết: Đây là lần đầu tiên ông thực hiện công việc này, lại là những tác phẩm được trưng bày trong Ngày thơ Việt Nam kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà nội, nên ông đặc biệt ý thức về trọng trách của mình với yêu cầu cao nhất là không được sai sót.

Với ý nghĩa của một Đại lễ thi ca đón chào Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm tuổi, các nghệ nhân gốm sứ Bát Tràng đã phải trăn trở chọn bố cục, hòa sắc cũng như họa tiết minh họa, để thể hiện được tư tưởng, ý đồ nghệ thuật của từng thi phẩm.

Nghệ nhân Vũ Đức Thắng tâm sự, lẽ ra minh họa cho 15 thi phẩm này sẽ là 15 danh thắng nổi tiếng của Hà Nội, nhưng do thời gian quá ít, chỉ có hơn 20 ngày, nên các nghệ nhân chỉ chọn được 5 phong cảnh đặc trưng của Hà Nội gồm Tháp Rùa, Chùa Một Cột, Ô Quan Chưởng, Cột Cờ… Toàn bộ số bình này được nung theo tiêu chuẩn của gốm Bát Tràng ở nhiệt độ 1.200 độ C.

BTC triển lãm cho biết, sau khi Ngày thơ Việt Nam kết thúc, 600 tác phẩm thơ trên gốm sứ nhỏ sẽ được bán cho du khách làm kỷ niệm. Riêng 15 bình gốm khắc 15 thi phẩm nổi tiếng sau triển lãm sẽ được chuyển vào Bảo tàng văn học Việt Nam.

Triển lãm vườn thơ trăm miền gồm 63 cây thơ đại diện cho 63 tỉnh, thành phố trong cả nước gồm các câu thơ có chất lượng, được lựa chọn từ các địa phương để trưng bày. Đây là dịp người xem có cơ hội thưởng thức tác phẩm của các nhà thơ ở các địa phương một cách toàn diện.

* Là một hoạt động trong Ngày thơ Việt Nam, 12h ngày 27/2, tại chùa Quán Sứ, Hội nhà văn Việt Nam đã tổ chức dâng hương tưởng niệm các nhà văn đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến với sự có mặt của BCH Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy ban toàn quốc các hội LHVHNT Việt Nam và đông đủ các nhà văn. Các đại biểu đã đánh giá cao sự đóng góp to lớn của các nhà văn trong đời sống tinh thần nhân dân và bộ đội, góp phần quan trọng vào thắng lợi của các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

* Cũng trong chiều 27/2, Hội Nhà văn Việt Nam đã đón ngọn lửa truyền thống được lấy từ Đền Hùng (Phú Thọ) do Hội VHNT Phú Thọ và Vĩnh Phúc chuyển về, để làm lễ tiếp nhận tại lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam sáng 28/2

Valid: True