Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khai thác lợi thế vùng chiêm trũng

Bài, ảnh: Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm trong vùng đồng chiêm trũng của huyện Phú Xuyên, người nông dân xã Phượng Dực vẫn trông nhiều vào sản xuất nông nghiệp. Điều đáng mừng, hình thái tổ chức sản xuất nơi đây đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Được sự cho phép của chính quyền địa phương, năm 2012, anh Đinh Tiến Nam cùng một số họ hàng tiến hành dồn ghép diện tích đất nông nghiệp tại thôn Phượng Vũ (xã Phượng Dực) để phát triển mô hình kinh tế V.A.C.
Trên diện tích hơn 1ha, anh Nam cùng gia đình đầu tư nuôi vịt, thả cá, trồng nhãn. Sau 7 năm, đến nay, ngoài sản lượng thuỷ sản hàng chục tấn mỗi năm, anh Nam duy trì phát triển đàn vịt giống hơn 1.000 con, đàn vịt thương phẩm từ 4.000 - 50.000 con cùng hơn 100 gốc nhãn đã cho thu hoạch quả.
 Một nông trại V.A.C trên địa bàn xã Phượng Dực. Ảnh: Trọng Tùng
Điều đáng mừng, gia đình anh Nam không phải là trường hợp cá biệt chuyển đổi thành công đất lúa sản xuất hiệu quả thấp sang mô hình V.A.C cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần. Hiện, toàn xã Phượng Dực đã có khoảng 60 hộ đang “sống khỏe” với mô hình kinh tế sau chuyển đổi này.
Bí thư Đảng ủy xã Phượng Dực Nguyễn Quang Huy cho biết, toàn xã có trên 447ha đất canh tác nông nghiệp. Từ khi triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, địa phương đã lập 306 dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, với tổng diện tích 151ha cho khoảng 1.000 hộ dân.
Diện tích chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang các mô hình nuôi trồng thuỷ sản kết hợp lúa – cá – vịt, trồng cây ăn quả, chăn nuôi xa khu dân cư mang lại doanh thu hàng năm trên 220 triệu đồng/ha. Đối với diện tích đất nông nghiệp hiện vẫn canh tác lúa, xã Phượng Dực cũng chủ trương chuyển đổi sang các mô hình sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao.
Cùng với đó, địa phương chỉ đạo Hợp tác xã Phú Phượng chủ động phối hợp với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phú Thắng (xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên) tổ chức sản xuất gieo mạ khay, cấy lúa bằng máy. Đồng thời, liên kết với một số đơn vị bao tiêu một phần tổng sản lượng lúa gạo sản xuất nhằm nâng cao giá trị cho ngành hàng này.
Nỗ lực nhiều năm qua trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người dân địa phương này đạt gần 46 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm chỉ còn khoảng 0,9%.
Bí thư Đảng ủy xã Phượng Dực Nguyễn Quang Huy cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của địa phương trong thời gian bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tổ chức sản xuất theo quy hoạch cũng sẽ tiếp tục huy động đa dạng nguồn lực, tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, đặc biệt là tại những vùng nông nghiệp đã chuyển đổi thành công.