Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khai trương trưng bày Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Lại Tấn - Ánh Tuyết - Phương Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19/6, Bảo tàng Báo chí Việt Nam (tại Hội Nhà báo Việt Nam, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chính thức khai trương.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cùng các đại biểu cắt băng khai trương.
Đến dự lễ khai trương có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các nhà nhà báo lão thành. Về phía Hà Nội, tới dự có Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng.
Phát biểu khai mạc tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Thuận Hữu cho biết: Ngay từ khi mới xuất hiện, báo chí Việt Nam đã tỏ rõ vai trò quan trọng của mình trong lịch sử dân tộc. Trong các cuộc kháng chiến, kiến quốc, lớp lớp các nhà báo đã để lại tuổi thanh xuân của mình trên khắp các vùng miền đất nước. Hơn 500 người làm báo đã anh dũng hy sinh trong các cuộc kháng chiến trong thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nhiều nhà báo hôm nay là những tấm gương xuất sắc, cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp bảo vệ đất nước, góp phần to lớn vào công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa, phát triển đất nước và hội nhập.
Theo nhà báo Thuận Hữu, ngày 28/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Từ đó đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam và các cán bộ nhân viên Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã có hơn 1.000 ngày thực thi nhiệm vụ được giao, với một quyết tâm mạnh mẽ nỗ lực không ngừng nghỉ.
Trong 3 năm qua, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tích cực nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ và khai thác một cách có hệ thống, khoa học, các di sản báo chí để lại nhằm hoàn thành bước đầu các không gian trưng bày thường xuyên.
Tới đây, bảo tàng còn phải tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu chỉnh lý bổ sung các nội dung trưng bày với những hiện vật tư liệu báo chí tiêu biểu, đại diện cho nền báo chí anh hùng, nhân văn và tiến bộ.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết: Bảo tàng Báo chí Việt Nam thuộc hệ thống bảo tàng quốc gia. Đây là sự kiện quan trọng và rất đáng tự hào của giới báo chí cả nước, đặc biệt lễ khai trương trưng bày bảo tàng vào đúng dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
“Báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện luôn đồng hành cùng dân tộc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Luôn ở tuyến đầu của cuộc sống, những người làm báo Việt Nam hôm nay đang tự tin viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc, của đất nước, của các thế hệ làm báo lớp trước; tiếp tục đảm đương sứ mệnh người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hoá, quả cảm đấu tranh cho công lý và lẽ phải. Nhân dân ta, Đảng và Nhà nước ta luôn quý trọng và tôn vinh các nhà báo, nghề báo. Sự ra đời của Bảo tàng Báo chí Việt Nam là thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với báo chí” - Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh.
Thay mặt Đảng và Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh bày tỏ tin tưởng, Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ là một thực thể sống, một trung tâm giáo dục truyền thống báo chí, trung tâm nghiệp vụ dành cho những người làm báo. Sau khi mở cửa đón khách tham quan, Bảo tàng Báo chí Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống trưng bày, hoạch định lộ trình phát triển phù hợp theo hướng tích hợp công nghệ truyền thông hiện đại, nỗ lực sáng tạo, chủ động bắt nhịp với đời sống báo chí trong và ngoài nước, nâng cao được chất lượng hoạt động.
Bảo tàng Báo chí Việt Nam được trưng bày trên diện tích 1.500m2 với 2 tầng. Bảo tàng đã sưu tầm được hơn 20.000 hiện vật, tài liệu, trong đó, có hơn 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm, phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam được trưng bày. Nội dung trưng bày của bảo tàng gồm 5 phần: Báo chí Việt Nam giai đoạn 1865 - 1925; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1925 - 1945; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1945 - 1954; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1975 đến nay.
Sau đây là một số hình ảnh phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị ghi nhận tại triển lãm:
 Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tham quan triển lãm.
Công chúng thăm quan triển lãm.
 Bảo tàng Báo chí Việt Nam trưng bày các hiện vật, hình ảnh, tư liệu trên diện tích 1.500m2. Bảo tàng đã sưu tầm được hơn 20.000 hiện vật, tài liệu, trong đó có hơn 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm.
Bảo tàng thu hút sự chú ý bởi các tư liệu, hiện vật cổ, trong đó có chiếc máy đánh chữ của nhà báo Lê Văn Ba, Đoàn Thanh niên cứu quốc Hà Nội sử dụng làm báo bí mật từ năm 1952 -1953.
Trong 3 năm qua, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tích cực nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ và khai thác một cách có hệ thống, khoa học, các di sản Báo chí để lại nhằm hoàn thành bước đầu các không gian trưng bày thường xuyên. 
 Tới đây, Bảo tàng sẽ tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung các nội dung trưng bày với những hiện vật, tư liệu báo chí tiêu biểu, đại diện cho nền Báo chí anh hùng, nhân văn và tiến bộ.
 Báo chí Cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, luôn đồng hành cùng dân tộc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước.
 Bảo tàng Báo chí Việt Nam được trưng bày trên diện tích 1.500m2 với 2 tầng. Bảo tàng đã sưu tầm được hơn 20.000 hiện vật, tài liệu, trong đó, có hơn 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm, phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam được trưng bày. Nội dung trưng bày của bảo tàng gồm 5 phần: Báo chí Việt Nam giai đoạn 1865 - 1925; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1925 - 1945; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1945 - 1954; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1975 đến nay.
Khu vực trưng bày các ấn phẩm báo chí của 63 tỉnh, TP.