Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khám phá sắc màu cuộc sống

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Liên hoan phim (LHP) tài liệu ngắn 2013 (diễn ra từ 22 - 24/3) tại Viện Geothe Hà Nội (56 - 58 Nguyễn Thái Học) với 20 tác phẩm của các nhà làm phim Việt Nam và Đông Nam Á. Những người làm nghề cho rằng, LHP giống như chiếc bật lửa nhóm lên tình yêu phim tài liệu trong công chúng.

Sắc màu chân thực
 
Không cầu kỳ, đặc biệt không bị kỹ xảo phù phép, sự chân thực của cuộc sống hiện diện trong 20 phim tài liệu ngắn đã chạm được vào trái tim khán giả. Từ buổi chiếu khai mạc, nhiều người đã chăm chú theo dõi từ đầu đến cuối cùng những "món ăn đời thường" nhưng đầy đủ gia vị. Bộ phim "Chuyện tử tế" (sản xuất năm 1987) của đạo diễn NSND Trần Văn Thủy mở màn LHP đã đưa người xem trở về quá khứ để suy ngẫm về mối quan hệ giữa người với người, tình anh em; xem lại những mảnh đời phải chịu nhiều bất hạnh khiến khán giả không thể cầm được nước mắt. Nhưng sau những dư vị đắng ấy của cuộc sống, người xem vẫn cảm nhận được vị ngọt từ sự tử tế của con người.
 
Khám phá sắc màu cuộc sống - Ảnh 1
Cảnh trong phim "Chuyện tử tế", một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của đạo dienx NSND Trần Văn Thủy.
 
Theo chân các đạo diễn, người xem được khám phá hơi thở cuộc sống của người dân Miến Điện xưa và nay qua "Giọng nói Mi-an-ma". Trong khi "Bươm bướm Miến Điện" của đạo diễn Hnin Ei Hlaing lại khiến công chúng sởn gai ốc trước tuổi thơ dữ dội của cô thợ cắt tóc Phyo Lay và cái nhìn hiếm hoi vào cộng đồng người đồng tính ở đất nước bị cô lập Mi-an-ma, thì "Không giới hạn, bờ bến" (đạo diễn Tin Win Hlaing) lại làm cho một vài người thèm muốn quyền tự do ngôn luận của những người rối loạn tâm thần... Tất cả đã tạo nên sức hút đối với công chúng, như nhận định của TS Almuth Meyer-Zollitsch, Viện trưởng Viện Geothe Hà Nội: "So với LHP năm 2011, năm nay khán giả đến xem đông hơn. Tất cả các buổi chiếu phim đều kín chỗ".

Trợ lực cho phim tài liệu

Thực tế, không phải đạo diễn nào cũng thích làm phim tài liệu, bởi đây là thể loại khó, mất nhiều công sức, kén người xem và khó nổi tiếng. Mặt khác, phim làm xong khó được chiếu, sự đánh giá, cổ vũ, vinh danh các tác phẩm cũng nhạt nhoà, không rầm rộ như phim truyện. Vậy mà, LHP lần này lại thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà làm phim trẻ, chứng tỏ họ vẫn có niềm tin vào thể loại này. Đạo diễn trẻ Hoàng Thị Huyền My, tác giả bộ phim "Bạn là ai" tham gia LHP chia sẻ: "Tôi tin là nếu chịu khó tìm kiếm, "đào bới" để tìm ra đề tài bức xúc của cuộc sống, được công chúng quan tâm thì phim sẽ được khán giả đồng cảm. Tôi mong có nhiều hoạt động như thế này để những người trẻ như tôi được giao lưu, học hỏi với các nhà làm phim gạo cội".

Còn đạo diễn NSND Trần Văn Thủy, người đã nổi tiếng và vinh danh với "Tiếng vĩ cầm Mỹ Lai", "Hà Nội trong mắt ai", "Phản bội", lại chia sẻ: "Tham dự LHP năm nay tôi rất xúc động. Không ngờ "Chuyện tử tế" của tôi đã gần 30 tuổi mà khi chiếu vẫn được khán giả hào hứng tiếp nhận như thế. Rõ ràng, tính chân thật của phim tài liệu vẫn có sức hút riêng của nó.

Trong bối cảnh hiện nay, LHP tài liệu ngắn 2013 đã có tác dụng tích cực, thúc đẩy sự nhiệt tình, hăng hái của các tác giả. Đặc biệt, LHP đã giúp công chúng, đặc biệt là khán giả trẻ có thêm hiểu biết và yêu thích loại phim vốn chưa được quan tâm nhiều tại Việt Nam.