Hội thảo nhằm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của các chuyên gia y tế trong lĩnh vực điều trị phẫu thuật khe hở môi vòm. Đồng thời nhằm mục tiêu chuẩn hóa quy trình điều trị toàn diện, chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật kiến thức mới nhất trong lĩnh vực điều trị cho bệnh nhân dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt.
Với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu từ Đài Loan và Việt Nam, hội thảo tập trung vào các vấn đề nổi bật như nắn chỉnh mũi xương ổ răng (NAM) và các phẫu thuật môi vòm cho bệnh nhân.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Cao Đức Chinh cho biết, nhìn lại hành trình hơn 30 năm đồng hành cùng các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm thực hiện sứ mệnh “thay đổi nụ cười, thay đổi cuộc đời” cho những bệnh nhân kém may mắn sinh ra với các dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt.
Bệnh viện luôn tự hào, nỗ lực góp phần đem lại hàng nghìn nụ cười trẻ thơ trọn vẹn. Nhiều kỹ thuật đã được thực hiện như phẫu thuật tái tạo khuyết hổng lớn vùng hàm mặt bằng kỹ thuật vi phẫu; phẫu thuật nội soi vùng hàm mặt; chỉnh nha cho trẻ em có khe hở môi vòm miệng...
Đơn vị với thế mạnh là hai chuyên khoa đầu ngành Răng Hàm Mặt và Tai Mũi Họng, hơn 30 năm hợp tác cùng Tổ chức OSV, đến nay, bệnh viện đã phẫu thuật cho hơn 16.000 người bệnh dị tật môi vòm miệng. Hiện, bệnh viện là đơn vị đầu tiên tại miền Bắc tiếp nhận, tư vấn và điều trị toàn diện cho bệnh nhân khe hở môi vòm miệng.
Tại hội thảo, bác sĩ Wu Te-Ju, bác sĩ chỉnh nha sọ mặt kiêm Phó Chủ tịch khoa Nha khoa, Bệnh viện Tưởng niệm Chang Gung Cao Hùng, Đài Loan cho biết, khi trẻ bị dị tật sọ mặt do khe hở môi vòm miệng (CLP), các bậc cha mẹ phải thực hiện điều trị sơm cho con.
Các can thiệp điều trị sớm không chỉ giúp tái tạo lại về mặt thể chất mà còn giúp trấn an tinh thần mạnh mẽ cho những người chăm sóc bệnh nhân CLP.
Ngoài ra, nắn chỉnh mũi xương ổ răng (NAM) đóng một vai trò quan trọng trong việc tái tạo môi và mũi ở trẻ sơ sinh bị khe hở môi vòm miệng. Điều trị NAM trước phẫu thuật thành công sẽ giúp thu hẹp khe hở xương ổ răng và tăng chiều cao trụ mũi mà không làm căng mô mềm quá mức trong quá trình phẫu thuật.
Theo bác sĩ Jui-Pin Lai, Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, Bệnh viện Tưởng niệm Chang Gung Cao Hùng, Đài Loan chia sẻ, phẫu thuật tạo hình vòm miệng là một phẫu thuật được sử dụng để chỉnh sửa khe hở vòm miệng. Phẫu thuật chỉnh sửa khe hở vòm miệng đã phát triển qua ba thế kỷ, từ việc chỉ đóng lỗ hở bất thường giữa mũi và miệng đến ưu tiên cải thiện khả năng nói và tránh tình trạng thiểu sản tầng giữa mặt.
“Ghép xương ổ răng là một phần quan trọng trong quá trình tái tạo tuần tự cho bệnh nhân khe hở môi và vòm miệng. Việc tạo hình khe hở cung răng có thể mang lại cả lợi ích về mặt thẩm mỹ và chức năng cho bệnh nhân. Mục tiêu của điều trị hở cung răng là ổn định vòm hàm trên, tách khoang mũi và khoang miệng, đồng thời hỗ trợ xương cho cả răng mới mọc và nền mũi.
Mặc dù ghép xương ổ răng ở giai đoạn răng hỗn hợp, được gọi là “ghép xương ổ răng thứ phát”, là một quy trình đã được chứng minh rõ ràng trong việc điều trị hở hàm ếch, nhưng để có thể điều trị hiệu quả khe hở xương ổ răng, điều cần thiết là phải hiểu một số khía cạnh của vấn đề này.
Có một số vấn đề liên quan đến việc tối đa hóa sự thành công của việc ghép xương ổ răng thứ phát, bao gồm thời gian phẫu thuật, vật liệu ghép và kỹ thuật phẫu thuật” - bác sĩ Jui-Pin Lai chia sẻ.
Bác sĩ Lê Trung Nghĩa - chuyên gia điều trị môi vòm toàn diện của OSV cho rằng, tổn thương dị tật bẩm sinh khe hở môi vòm miệng gây biến dạng thẩm mỹ diện mạo và rối loạn bệnh lý trầm trọng về chức năng như ăn uống, dinh dưỡng, khớp nhai, hô hấp, phát âm, tai mũi họng… cũng như tâm lý bệnh nhân và gia đình.
Những khiếm khuyết bệnh lý này đòi hỏi sự tham gia điều trị của nhiều chuyên khoa khác nhau. Thời gian thích hợp và sự phối hợp một cách khoa học của các chuyên ngành để đạt kết quả điều trị toàn diện cho bệnh nhân.
Đồng thời, việc thực hiện được quy trình điều trị toàn diện cho bệnh nhân khe hở môi vòm miệng sẽ làm giảm đi số lần phẫu thuật cho bệnh nhân cũng như giảm đi chi phí y tế cho cả bệnh nhân nói riêng, xã hội và ngành y tế nói chung.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết, dị tật bẩm sinh khe hở môi vòm miệng là một dị tật thường gặp ở trẻ sơ sinh, làm biến dạng khuôn mặt của trẻ.
Trước đây, điều trị phẫu thuật khe hở môi vòm chỉ dừng lại ở việc đóng kín khe hở môi và vòm miệng mà chưa có các can thiệp đến chức năng ăn nhai và khả năng phát âm của trẻ sau phẫu thuật.
Ngày nay, với sự tiến bộ của nền y học trên thế giới, việc điều trị cho những bệnh nhân này được dựa trên quan điểm toàn diện và tích cực hơn. Điều trị toàn diện được bắt đầu từ khi người phụ nữ mang thai, được sàng lọc thai kỳ, tư vấn, theo dõi và điều trị cho đến khi trẻ trưởng thành, tự tin hòa nhập với cuộc sống.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng hy vọng Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba sẽ phát huy tốt hoạt động chuyên môn của đơn vị, với thế mạnh hai chuyên khoa đầu ngành là Răng Hàm Mặt và Tai Mũi Họng tiếp tục thực hiện tốt hoạt động cộng đồng như y tế học đường; khám, phát hiện sớm dị tật ở trẻ em để đem lại nụ cười cho các em, trao cho các em một niềm tin, tương lai trong cuộc sống.
Đồng thời, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội mong muốn Tổ chức Operation Smile Việt Nam và các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ chương trình này để mỗi trẻ em sinh ra sẽ tự tin với nụ cười của mình.