Hiến giọt máu vàng - trao ngàn hy vọng
Ngày 26/10, Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư tổ chức gặp mặt người hiến tiểu cầu tình nguyện tiêu biểu năm 2024 với thông điệp “Hiến giọt máu vàng - trao ngàn hy vọng”.
Sự kiện nhằm tôn vinh, tri ân những cá nhân, tập thể hiến tiểu cầu thường xuyên góp phần đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu chế phẩm tiểu cầu cho cấp cứu và điều trị. Đây cũng là dịp hội ngộ, chia sẻ, giao lưu giữa những người hiến tiểu cầu thường xuyên và những người bệnh được nhận tiểu cầu.
Được tổ chức từ năm 2020 đến nay, mỗi năm Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư đều biểu dương, gặp mặt 200 người hiến tiểu cầu tình nguyện tiêu biểu.
Theo TS Trần Ngọc Quế - Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư, năm 2024 đánh dấu những thay đổi đặc biệt của Viện trong công tác tiếp nhận tiểu cầu. Công tác tiếp nhận tiểu cầu rất ổn định, bền vững, hầu như không có thời điểm nào xảy ra tình trạng thiếu tiểu cầu cho điều trị; ngay cả khi bùng phát dịch sốt xuất huyết, chế phẩm tiểu cầu vẫn được đáp ứng tốt.
Tính đến hết tháng 10/2024, Viện đã tiếp nhận được 29.428 đơn vị tiểu cầu từ 8.372 người hiến, trung bình một người hiến 3,4 lần. Kết quả này thể hiện xu hướng gia tăng của số người hiến tiểu cầu và số lần hiến của một người trong năm.
200 đại biểu tham dự chương trình năm nay, xuất hiện nhiều cá nhân đạt số lần hiến tiểu cầu tình nguyện trong năm rất cao.
Đứng đầu danh sách là anh Nguyễn Văn Hiếu (sinh năm 1993) đã có tổng cộng 129 lần hiến, trong đó 116 lần hiến tiểu cầu, riêng năm 2024 là 13 lần hiến tiểu cầu. Anh Hiếu cũng vinh dự là một trong 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2024.
Kể từ ngày đầu hiến máu “thử một lần cho biết”, thấm thoắt đã 12 năm trôi qua, chàng trai Nguyễn Văn Hiếu (31 tuổi, Hà Nội) vẫn bền bỉ, gắn bó với hoạt động hiến máu tình nguyện với mong muốn mang đến những đơn vị tiểu cầu, những giọt máu đào góp phần thắp lên niềm hy vọng sống, đem đến hạnh phúc cho người bệnh và người nhà của họ.
Anh Hiếu chia sẻ: “3 năm đầu tiên, tôi hiến máu toàn phần, sau đó chuyển sang hiến tiểu cầu. Hiến máu bây giờ đối với tôi như một thói quen. Dù công việc bận rộn nhưng cứ đến ngày nhắc lại, tôi sẽ cố gắng sắp xếp công việc để đi hiến. Nếu hôm nào đó đúng lịch hiến máu mà không đi được, tôi có cảm giác như thiếu một điều gì đó, như kiểu buổi sáng thức dậy mà mình không đánh răng vậy”.
Nhưng có một lần, anh Hiếu khiến đồng nghiệp bất ngờ khi tạm gác lại công việc ngay cả trong giờ làm để đi hiến máu. “Lúc đó, tôi đang đi làm, khi đọc được tin một người bệnh cần máu trên mạng xã hội, tôi đã xin công ty cho về sớm. Tôi cũng rủ thêm một vài người bạn qua viện để hiến máu cho người bệnh đang cần gấp” – anh Hiếu nhớ lại.
Công việc quan trọng, nhưng việc cứu người lúc cấp bách còn quan trọng hơn. Hành động của anh Hiếu khiến đồng nghiệp, bạn bè nể phục, cảm thấy thích thú với hoạt động này và cùng anh đi hiến máu. Họ sẵn sàng tham gia hiến máu thường xuyên, hiến máu nhắc lại.
Lan tỏa tinh thần hiến máu, hiến tiểu cầu vì cộng đồng
Với gần 70 lần hiến máu, hiến tiểu cầu, anh Hoàng Ngọc Tuyến (Long Biên, Hà Nội) luôn đều đặn có mặt tại Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư mỗi tháng. Hoạt động này đã thân thuộc với anh như việc ghé thăm một người bạn của gia đình.
Anh Tuyến tham gia hiến máu lần đầu năm 2007 khi đang công tác tại UBND phường Gia Thụy, quận Long Biên. Từ đó, anh bắt đầu tìm hiểu về lợi ích và ý nghĩa của việc hiến máu tình nguyện và quyết tâm sẽ thực hiện hành động này nhiều hơn. “Sau khi hiến máu lần đầu, tôi cảm thấy mình cần làm việc này nhiều hơn, không chỉ giúp được cho nhiều người mà tôi thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn rất nhiều” – anh Tuyến chia sẻ.
Từ những điểm hiến máu tại nơi ở, cơ quan làm việc, anh Tuyến đã chủ động tìm kiếm thông tin và hiến máu tại nhiều nơi. Có khi đi đường gặp điểm hiến máu lưu động, anh cũng tạm ngưng công việc, ghé vào hiến máu.
Anh không nghĩ nhiều đến việc mình sẽ nhận lại được điều gì, đó chỉ đơn thuần xuất phát từ tấm lòng nhân ái, mong muốn được cho đi. Cũng chính vì lẽ đó, hành động đẹp của anh Tuyến đã truyền cảm hứng đến người vợ lúc nào không hay.
3 năm trở lại đây, anh Tuyến và vợ là chị Nguyễn Thị Hà Giang biết đến hoạt động hiến tiểu cầu. Từ đó, đều đặn mỗi tháng, anh chị luôn dành thời gian đến Viện hiến tiểu cầu. Do tính chất công việc nên vợ chồng anh Tuyến chỉ có thể đi hiến tiểu cầu vào cuối tuần. Đến nay, anh Tuyến đã có 66 lần hiến máu, trong đó có 38 lần hiến tiểu cầu. Còn chị Hà Giang cũng đã hiến máu 40 lần, trong đó có 28 lần hiến tiểu cầu.
Là một người lớn tuổi nhất trong 200 đại biểu tiêu biểu, ông Hoàng Văn Lụa (60 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) đã hiến máu và tiểu cầu tổng 35 lần, trong đó 29 lần hiến tiểu cầu.
Dù bắt đầu đến với hoạt động hiến máu khi đã 55 tuổi, tinh thần hiến máu, hiến tiểu cầu của ông luôn khiến cộng đồng nể phục. Ông từng ra khỏi nhà lúc 4 giờ sáng để đi hiến tiểu cầu trong dịch Covid-19. Hay lúc nghe tin cơn bão Yagi đổ bộ, lo lắng nhiều người ở xa bị hạn chế di chuyển, ông quyết tâm đi hiến tiểu cầu trước khi bão về.
Ông Lụa bày tỏ tiếc nuối khi đây là năm cuối cùng có thể hiến máu, hiến tiểu cầu theo độ tuổi quy định. Để tận dụng mọi cơ hội, ông Lụa đã kịp hiến tiểu cầu 15 lần trong năm 2024. Ông tin tưởng những người trẻ luôn tràn đầy đam mê, tiếp tục lan tỏa tinh thần hiến máu, hiến tiểu cầu vì cộng đồng để dành món quà sự sống cho người bệnh.
Khác với hiến máu toàn phần phải chờ gần 3 tháng mới được hiến lại, thì hiến tiểu cầu chỉ cần sau 2-3 tuần, nên một người có thể hiến đến gần 20 lần trong một năm. Tuy nhiên, do chỉ có thời hạn bảo quản và lưu trữ rất ngắn (tối đa 5 ngày) nên việc tiếp nhận và điều chế tiểu cầu đều phải dựa vào nhu cầu của các bệnh viện và người bệnh. Chính vì vậy, những năm qua, viện đều cập nhật nhu cầu dự trù hằng ngày trên phần mềm và khuyến khích người hiến tiểu cầu cần đăng ký trước khi đến.