KTĐT - Sáng 27/2, 83 lao động Việt Nam của Công ty Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (SONA), thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) đưa đi làm việc tại Libya đã đặt chân xuống sân bay Nội Bài.
Hiện, SONA đã đưa 104 lao động về nước an toàn, còn 1.329 lao động do công ty đưa đi đang di chuyển ra khỏi Libya, bao gồm 100 lao động ở Ai Cập đã có vé máy bay về nước; 26 lao động ở Thổ Nhĩ Kì; 440 lao động ở Malta; 41 lao động đang trên đường sang Ai Cập và 719 lao động sang Malta bằng đường thủy.
Cùng ngày, 382 lao động Việt Nam thuộc Công ty Vinamex đưa sang Libya làm việc cho Công ty Huyndai AMCO của Hàn Quốc đã đến sân bay quốc tế Cairo (Ai Cập). Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập cho biết: Hải quan sân bay Cairo đã đồng ý cho phép số lao động này được vào khu vực cách ly của sân bay để chờ đưa về nước. Lãnh đạo công ty Huyndai AMCO hứa sẽ nhanh chóng mua vé đưa những lao động này về nước, cũng như đảm bảo nhu yếu phẩm thiết yếu trong thời gian quá cảnh. Tính đến nay, đã có 709 lao động Việt Nam ởLibya đến sân bay quốc tế Cairo an toàn qua cửa khẩu Salloum. Trong số đó, 185 lao động của các công ty SONA và Won (Hàn Quốc) đã lên máy bay về nước. Số còn lại sẽ tiếp tục được đưa về nước ngay khi có vé máy bay. Theo tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Libya, 44 lao động Việt Nam từ Libya và 700 lao động khác từ Thổ Nhĩ Kỳ cũng sắp đến Ai Cập. Trước đó, lúc 4 giờ sáng 26/2, 181 lao động Việt Nam làm việc tại Libya đã đã về đến sân bay Nội Bài. Tính đến 19h30 ngày hôm qua 27/2 đã có 907 lao động Việt Nam từ Libya về nước an toàn.
Trước những diễn biến bất ổn tại Libya, tại cuộc họp chiều 25/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan chức năng đảm bảo an ninh, an toàn và khẩn trương bằng mọi cách đưa lao động Việt Nam tại Libya về nước. Ngày 26/2, tại cuộc họp Ban chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã chỉ đạo thành lập 5 đoàn công tác hỗ trợ, sơ tán lao động Việt Nam ra khỏi Libya. Trong đêm 26/2 và ngày 27/2, các đoàn công tác hỗn hợp của Việt Nam đã lên đường đến các nước láng giềng của Libya là Tunisia, Malta, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Hy Lạp. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết máy bay của 5 đoàn công tác đến các nước lân cận Lybia sẽ nỗ lực đưa lao động Việt Nam về nước trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra, cũng có thể sử dụng phương án thuê thêm máy bay của các hãng nước ngoài để đưa lao động về nước.
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui được an toàn trở về đoàn tụ với gia đình, vẫn còn đó rất nhiều băn khoăn khi một số lao động mới sang Libya được 2 tháng và mới được lĩnh 1 tháng lương. Phần lớn lao động và gia đình đã phải vay mượn hàng chục triệu đồng để được sang Libya làm việc. Còn nhiều lao động vẫn còn mắc kẹt tại Libya đang sống cảnh màn trời chiếu đất, thiếu lương thực triền miên. Ngoài việc khẩn trương đưa lao động nước ta tại Libya về nước để đảm bảo an toàn, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau khi toàn bộ (10.482 người) lao động về nước, Bộ sẽ căn cứ mức độ thiệt hại để hỗ trợ thêm theo quy định của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Các doanh nghiệp đưa lao động đi cũng dành một khoản hỗ trợ ban đầu cho người lao động để về gia đình và ổn định cuộc sống.