Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khẩn trương ứng phó lũ trên sông Cửu Long

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 1/8, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) có công điện gửi Sở NN&PTNT các tỉnh, TP khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạo triển khai công tác ứng phó với lũ trên sông Cửu Long.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Công điện nêu rõ, theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc Gia, lũ ở sông Cửu Long hiện đang lên nhanh. Dự báo đến ngày 8/8/2018, mực nước cao nhất tại Tân Châu ở mức 3,35m, tại Châu Đốc mức 2,75m; đến ngày 13/8, lũ khả năng đạt đỉnh đầu mùa với mực nước tại Tân Châu là 3,7m, cao hơn mức báo động (BĐ) 1 0,2m, tại Châu Đốc là 3,1m, cao hơn BĐ1 0,1m. Đỉnh lũ chính vụ khả năng ở mức BĐ2 và trên BĐ2, thời gian xuất hiện vào khoảng nửa đầu tháng 10/2018. Diễn biến lũ còn nhiều bất thường, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh.

Với thông tin lũ như dự báo, sẽ ảnh hưởng đến sản xuất lúa Hè Thu ở khu vực ngoài để bao và để bao chưa khép kín ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Long An.

Để bảo vệ sản xuất nông nghiệp, đề phòng thiệt hại do ngập lụt, úng nội đồng, Tổng cục Thủy lợi đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, TP khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng cường theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo lũ sông Cửu Long do các cơ quan chuyên ngành và thông tin dự báo ngập lũ nội đồng do các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT cung cấp để thực hiện các giải pháp ứng phó với lũ đầu vụ và bố trí sản xuất, sinh hoạt thích ứng với lũ chính vụ.

Tổ chức kiểm tra, rà soát hệ thống đê bao, bờ bao, đánh giá cụ thể khả năng chống chịu với ảnh hưởng của ngập lũ để có phương án bố trí sản xuất phù hợp. Đồng thời, tăng cường gia cố, tôn cao các đoạn đê, bờ bao thấp, yếu, có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở ở các vùng có nguy cơ bị ngập lũ.