KTĐT - Ba năm trước, Trường Trung học Xây dựng được mang một cái tên mới: Trường CĐ Cộng đồng Hà Nội. Từ trung cấp lên CĐ có sự thay đổi về trình độ đào tạo nhưng đó chưa phải là sự "lột xác" của cơ sở đào tạo này.
Những ngày cuối năm 2009, có một sự kiện có ý nghĩa không chỉ đối với Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội: 2 khóa sinh viên hệ cao đẳng (CĐ) chính quy và hệ CĐ liên thông đầu tiên tốt nghiệp.
Tuy đã có ưu thế rõ ràng trên thế giới, ngay ở những nước có nền giáo dục phát triển như Mỹ, Canađa... song hệ thống các trường CĐ cộng đồng khá mới mẻ ở nước ta có phát triển được trong tương lai hay không? 354 sinh viên được nhận bằng CĐ của Trường CĐ Cộng đồng Hà Nội đã trả lời rằng, mô hình CĐ cộng đồng là một lựa chọn hợp lý với cả người học lẫn cơ sở đào tạo.
Đổi tên, thay chất
Ba năm trước, Trường Trung học Xây dựng được mang một cái tên mới: Trường CĐ Cộng đồng Hà Nội. Từ trung cấp lên CĐ có sự thay đổi về trình độ đào tạo nhưng đó chưa phải là sự "lột xác" của cơ sở đào tạo này. Điều làm cho trường thay đổi về bản chất là việc lựa chọn cho mình mô hình CĐ cộng đồng. So với các trường ĐH, trường CĐ và dạy nghề, trường CĐ cộng đồng có nhiều khác biệt bởi phương châm hoạt động của nó là đáp ứng nhu cầu cộng đồng, có cơ cấu tổ chức bảo đảm sự tham gia của cộng đồng, chương trình đào tạo được phát triển và điều chỉnh theo yêu cầu của công việc đa ngành và đa cấp, giúp người học học suốt cuộc đời.
Hiệu trưởng Hoàng Ngọc Trí cho biết: "Mỗi năm trường tổ chức nhiều hội thảo khoa học, hội nghị khách hàng với trên 60 tổng công ty, công ty để tìm hiểu nhu cầu đào tạo dài hạn, ngắn hạn cả về số lượng, tiêu chí, ngành nghề, bậc đào tạo, thậm chí ký kết các hợp đồng đào tạo theo địa chỉ... Trường còn tham gia các hội chợ giới thiệu việc làm của thành phố và tự tổ chức "Ngày hội hướng nghiệp - cùng thanh niên lập nghiệp" thu hút hàng nghìn học sinh, sinh viên đến tìm hiểu về nhà trường và cũng qua đó nhà trường nắm được nhu cầu học tập của họ". Trên cơ sở đó, trường tổ chức đào tạo với nguồn lực hiện có, đồng thời đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị, xây dựng giáo trình, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ để hướng tới sự thỏa mãn tối đa nhu cầu của cộng đồng. Trong những năm vừa qua, cả trước và sau khi được phép tuyển sinh hệ CĐ, trường đã tập trung đổi mới giáo trình, nâng cao trình độ cho giáo viên, trích từ 3 đến 5 tỷ đồng mỗi năm để nâng cấp cơ sở vật chất, xưởng thực hành... Chương trình đào tạo được xây dựng theo hướng đa cấp, tăng cường kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh để khi ra trường họ đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng, tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp theo hướng lấy người học là trung tâm của quá trình đào tạo.
Khẳng định một mô hình
Những nỗ lực đó đã đem lại thành công ban đầu. Không chỉ là hơn 300 tấm bằng CĐ được đóng dấu Trường CĐ Cộng đồng Hà Nội mà còn là thương hiệu ngày một khẳng định thể hiện ở số lượng học sinh đăng ký dự thi CĐ năm 2009 tăng 165% so với năm 2008; tỷ lệ học sinh vào các hệ khác như trung cấp, CĐ nghề, CĐ liên thông, liên thông lên ĐH, đào tạo ngắn hạn đều tăng. "Đầu vào" có chất lượng hơn nên kết quả đào tạo cũng có chuyển biến, tỷ lệ học tập loại khá tăng 4,2% ; tỷ lệ học sinh học liên thông lên trình độ cao sau tốt nghiệp đạt 71%; tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp đạt gần 80%, tăng hơn 3% so với năm học trước.
Không chỉ có ý nghĩa đối với trường, những kết quả trên còn khẳng định rằng mô hình trường CĐ cộng đồng là khả thi và phù hợp với điều kiện nước ta. Ở nhiều nước trên thế giới, CĐ cộng đồng được coi là "cánh cửa" rộng để vào ĐH, còn ở nước ta, với việc mở nhiều ngành đào tạo dựa trên kết quả phân tích nhu cầu của cộng đồng ở nhiều bậc đào tạo nhưng chủ yếu là từ CĐ trở xuống, với chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên yêu cầu của công việc nhiều hơn là khung chương trình được ấn định sẵn... thì các trường CĐ cộng đồng thực sự là mô hình phù hợp với từng địa phương. Nó giúp cho sinh viên ra trường đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của nhà tuyển dụng nhờ được đào tạo dựa trên nhu cầu cộng đồng và chú trọng tới thực hành.
Dẫu để trở thành một trường CĐ cộng đồng đúng nghĩa thì Trường CĐ Cộng đồng Hà Nội còn phải vượt qua một chặng đường dài phía trước, nhưng 3 năm với "vụ mùa" bội thu đầu tiên này là "khởi đầu nan" cho "vạn sự" thành công trong tương lai.