Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khẳng định "chưa phải đại dịch", WHO dự báo chi phí phản ứng ban đầu với nCoV

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây công bố một kế hoạch ứng phó với dịch viêm phổi Vũ Hán, dự kiến tiêu tốn khoảng 675,7 triệu USD tính đến hết tháng 4.

Một bệnh nhân corona được chuyển vào phòng cách ly tại tỉnh An Huy, Trung Quốc. 
Tài liệu dài 28 trang của WHO cũng nêu các biện pháp mà cộng đồng quốc tế đã sẵn sàng cung cấp để hỗ trợ tất cả các quốc gia chuẩn bị và ứng phó với virus corona mới.
Quan chức của tổ chức này hôm thứ 3 cũng cho biết, sự bùng phát chết người hiện nay chưa phải đại dịch, dù thừa nhận rất khó để ngăn chặn virus do sự di chuyển hàng loạt trên toàn cầu.
Theo Tiến sĩ Sylvie Briand - Giám đốc Cục Quản lý Nguy cơ Truyền nhiễm của WHO, virus 2019-nCoV hiện chỉ được coi là một dịch bệnh tại nhiều địa điểm, tin rằng nó có thể được kiểm soát thành công "bằng các biện pháp ngăn chặn hiện nay".
"Các biện pháp kiểm soát hiện tại bao gồm phát hiện trường hợp sớm, cách ly và điều trị sớm các trường hợp, truy tìm dấu vết và các biện pháp giam giữ xã hội ở những nơi có nguy cơ lây truyền", bà Briand nói, "đây là những yếu tố cốt lõi của bất kỳ phản ứng bùng phát nào và có thể đủ khả năng để ngăn chặn sự lây nhiễm".
Đại dịch cuối cùng được ghi nhận là đợt cúm H1N1 năm 2009, đã giết chết hàng trăm nghìn người trên toàn thế giới. Trong khi WHO hồi tuần trước tuyên bố dịch corona mới là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đang được quốc tế quan tâm, tương tự các trường hợp khẩn cấp trước đây như Ebola, Zika...
Bà Briand nhấn mạnh, phần lớn các trường hợp nhiễm corona - hiện ước tính khoảng 78% - đến từ tỉnh Hồ Bắc ở Trung Quốc, trong khi mô tả các trường hợp bên ngoài "tâm dịch" là "các trường hợp lan tỏa". "Nếu chúng ta có thể ngừng lây truyền, điều này sẽ ngăn tình hình trở thành đại dịch", vị TS giải thích.