Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khánh Hòa: Đề xuất dùng ngân sách để tiếp tục dự án CCSEP Nha Trang

Trung Nhân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Khánh Hòa đề xuất 2 phương án sử dụng ngân sách để tiếp tục đầu tư xây dựng đường, kè hai bên sông Cái Nha Trang và bồi thường cho dân theo chính sách của World Bank sau khi đơn vị này ngừng cấp vốn ODA.

Ngày 24/1, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chọn phương án 1 là sử dụng nguồn vốn đối ứng thay thế vốn vay ODA đã ngừng, để tiếp tục thực hiện các hạng mục còn lại của hợp phần 2, dự án môi trường bền vững các TP Duyên hải – Tiểu dự án TP TP Nha Trang (CCSEP Nha Trang).

Ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết đây là dự án vay vốn ODA. Tuy nhiên, do địa phương giải phóng mặt bằng mình chậm nên Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam có ý kiến không tiếp tục sử dụng vốn vây ODA để thực hiện các hạng mục thuộc dự án nói trên gồm hai hợp đồng NT-2.1 và NT-2.3.

"Tỉnh đã tính toán dự kiến để hoàn thành phần còn lại của dự án là 250 tỷ đồng. Với mức này thì tỉnh đủ sức thực hiện để hoàn thành dự án nhưng khung đền bù vẫn theo khung chính sách cũ của dự án. Bởi vì không thể trước đây vốn vay theo khung chính sách, giờ vốn mình mà không làm theo khung chính sách là không được" - ông Nguyễn Tấn Tuân chia sẻ.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, việc này đã báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý báo cáo với World Bank nhưng phải báo cáo với Chính phủ xin thực hiện đúng khung chính sách từ trước đến giờ.

Các hạng mục xây dựng đường, kè hai bên sông Cái Nha Trang hiện đang tạm dừng do World Bank ngừng cấp vốn. (Ảnh: Trung Nhân)
Các hạng mục xây dựng đường, kè hai bên sông Cái Nha Trang hiện đang tạm dừng do World Bank ngừng cấp vốn. (Ảnh: Trung Nhân)

Trước đó, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa đã có tờ trình gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phương án thực hiện các hạng mục còn lại thuộc hợp phần 2 dự án Môi trường bền vững các CCSEP Nha Trang.

Động thái trên xuất phát từ việc Giám đốc Quốc gia World Bank tại Việt Nam có ý kiến không tiếp tục sử dụng vốn vay ODA để thực hiện các hạng mục thuộc dự án nói trên gồm hai hợp đồng NT-2.1 và NT-2.3.

Tiếp đó, World Bank có thư gửi đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa sớm hoàn tất thủ tục bố trí vốn đối ứng tiếp tục thực hiện hợp phần 2 làm cơ sở để World Bank cho triển khai lại các hoạt động thu hồi của dự án.

Cụ thể, hạng mục còn lại thuộc hợp phần 2 tiểu dự án đã bị World Bank hủy tài trợ vốn, gồm các hạng mục xây dựng đường, kè hai bên sông Cái Nha Trang.

Theo đó, 2 phương án được đề xuất trong Tờ trình với phương án 1 là sử dụng nguồn vốn đối ứng thay thế vốn vay ODA đã bị cắt để tiếp tục thực hiện các hạng mục còn lại của hợp phần 2. Đối với phương án 2 sẽ cắt toàn bộ các hạng mục còn lại của hợp phần 2 ra khỏi dự án CCSEP Nha Trang, rồi lập dự án mới đưa vào kế hoạch đầu tư công của tỉnh.

Tuy nhiên, phương án 1 hay 2 đều phải hoàn thành các thủ tục trình HĐND tỉnh thông qua. Tiếp đến trình các bộ, ngành thẩm định rồi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh dự án hay chủ trương đầu tư.

Do đó, việc hoàn thành các hạng mục còn lại thuộc hợp phần 2 đều sẽ kéo dài đến tháng 12/2025 hoặc đến tháng 3/2026 thay vì kết thúc dự án CCSEP Nha Trang vào 30/6/2024.

Đối với việc bồi thường cho dân bị ảnh hưởng, bị thu hồi đất tại hợp phần 2, trong cả 2 phương án trên Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa đều kiến nghị tiếp tục áp dụng theo khung chính sách dự án CCSEP Nha Trang của World Bank để tránh khiếu nại, khiếu kiện của người dân.

Dự án dang dở vì bị ngừng cấp vốn. (Ảnh: Trung Nhân)
Dự án dang dở vì bị ngừng cấp vốn. (Ảnh: Trung Nhân)

Tuy nhiên, theo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa, trường hợp tách hợp phần 2 thành dự án mới (theo phương án 2) thì thủ tục xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ để bồi thường theo khung chính sách của World Bank sẽ khó được chấp thuận. Nhiều khả năng sẽ tăng chi phí thực hiện do phải cập nhật lại giá trị dự toán theo thời điểm hiện hành. Thời gian kéo dài hơn so với phương án 1 do phải triển khai lập thủ tục đầu tư dự án mới.

Vì vậy, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh đã kiến nghị báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương cho phép áp dụng phương án 1.

Cũng theo tờ trình, dự án CCSEP Nha Trang (gồm 4 hợp phần) có tổng mức đầu tư hơn 1.380 tỷ đồng (tương đương hơn 60 triệu USD). Trong đó, tổng vốn ODA do World Bank tài trợ và cho vay hơn 48,614 triệu USD, vốn đối ứng của tỉnh 11,4 triệu USD.

Riêng hợp phần 2 dự án CCSEP Nha Trang có mục tiêu đầu tư "cải thiện và kết nối đô thị" hai bên bờ sông Cái Nha Trang, gồm 2 hợp đồng xây dựng các hạng mục tổng trị giá 281 tỷ đồng (tương đương hơn 12,2 triệu USD, tính theo tỷ giá khi World Bank tài trợ).

Tuy nhiên, đến nay, tại hạng mục xây dựng kè bắc sông Cái Nha Trang và đường Chử Đồng Tử chỉ mới chi trả bồi thường cho 31/108 hộ dân bị ảnh hưởng, bị thu hồi đất.

Đối với hạng mục kè, đường bờ nam sông Cái Nha Trang (đoạn từ cầu đường sắt xuống đến cầu Hà Ra dài 2.064 m, gồm 2 làn đường) có 290 hộ dân bị ảnh hưởng, bị thu hồi đất nhưng chỉ mới bồi thường cho 45 trường hợp.

Cả 2 gói thầu trên đều chỉ mới hoàn thành thi công được khoảng 5% khối lượng và các nhà thầu đã được thanh toán tổng cộng 18,6 tỷ đồng (đều từ vốn ODA của World Bank).