Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khánh Hòa dùng ngân sách thay cho vốn vay của WB tại dự án môi trường

Trung Nhân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Khánh Hòa sẽ sử dụng nguồn vốn ngân sách hơn 575,2 tỷ đồng để tiếp tục triển khai khối lượng còn lại của dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải – Tiểu dự án thành phố Nha Trang thay cho nguồn vốn vay ODA của nhà tài trợ Ngân hàng Thế giới (WB).

Ngày 11/6, sau khi thảo luận, các đại biểu dự họp HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII đã thống nhất thông qua Nghị quyết cho ý kiến về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án thành phố Nha Trang (CCSEP).

Cụ thể, CCSEP có tổng mức đầu tư hơn 1.380 tỷ đồng (tương đương hơn 60 triệu USD). Trong đó, vốn vay ODA do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ khoảng 48,6 triệu USD; vốn đối ứng bằng ngân sách tỉnh Khánh Hòa khoảng 11,4 triệu USD. Dự án có thời gian thực hiện từ năm 2017 đến 30/6/2024.

Khánh Hòa dùng vốn ngân sách để triển khai phần còn lại của dự án CCSEP. Ảnh: Trung Nhân
Khánh Hòa dùng vốn ngân sách để triển khai phần còn lại của dự án CCSEP. Ảnh: Trung Nhân

Hiện dự án đã triển khai nhiều hạng mục, tuy nhiên, đối với một số hạng mục tại hợp phần 1 của dự án vẫn còn vướng mặt bằng chưa thể thu hồi. Cụ thể, gói thầu NT-1.5 (các tuyến cống gom nước thải và Trạm bơm chính) còn 1 trường hợp và 3 hộ bị ảnh hưởng; gói NT-1.6 (trạm bơm nước mưa) còn 5 trường hợp và 5 hộ bị ảnh hưởng; gói NT-1.7 (nhà máy xử lý nước thải phía Bắc) còn 2 trường hợp và 13 hộ bị ảnh hưởng.

Hiện Hội đồng bồi thường đang tiến hành rà soát lại các trường hợp trên theo ý kiến của WB để hoàn thiện đầy đủ thục tục cưỡng chế thu hồi đất theo quy định. Theo đó, dự kiến giá trị còn lại do vướng mặt bằng tại hợp phần 1 khoảng 37 tỷ đồng.

Ngoài ra, tại hợp phần 2, gói thầu NT-2.1 (xây dựng đường và kè sông Cái) khoảng 245 tỷ đồng đã được tạm ứng và thanh toàn một phần công việc bằng vốn ODA khoảng 61 tỷ đồng; gói thầu NT-2.3 (xây dựng đường Chử Đồng Tử) thanh toán 9,1/36 tỷ đồng.

Trường hợp nhà tài trợ WB thu hồi khoản tạm ứng còn lại thì chi phí để tiếp tục thực hiện tiếp 2 gói thầu nói trên khoảng 276 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, phương án thống nhất khối lượng còn lại thuộc hợp phần 1 và 2 sẽ được thực hiện bằng nguồn vốn đối ứng (ngân sách tỉnh) thay cho vốn vay của nhà tài trợ WB sẽ tăng hơn 13,6 triệu USD tương đương tổng vốn ngân sách hơn 25 triệu USD (hơn 575,2 tỷ đồng).

Nhà máy xử lý nước thải phía Bắc cơ bản đã hoàn thành. Ảnh: Trung Nhân
Nhà máy xử lý nước thải phía Bắc cơ bản đã hoàn thành. Ảnh: Trung Nhân

Sau khi thảo luận, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã thống nhất cho ý kiến về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư phần còn lại của dự án CCSEP bằng ngân sách tỉnh và điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến 31/12/2025.

Đồng thời, tiếp tục áp dụng khung chính sách đền bù, tái định cư trước đây của WB trong quá trình thực hiện dự án.

Ông Nguyễn Thanh Hiến - Giám đốc Ban Quản lý phát triển tỉnh Khánh Hòa (chủ đầu tư dự án CCSEP) cho biết, sau khi HĐND tỉnh thông qua, tỉnh sẽ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ban sẽ tập trung thực hiện để gấp rút đưa dự án về đích theo tiến độ đã được điều chỉnh.