Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khánh Hòa: Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025

Trung Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khoảng 200 doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được các chuyên gia chia sẻ về kinh nghiệm chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay. Các doanh nghiệp hầu hết đang hoạt động trong ngành du lịch, dịch vụ và nông nghiệp.

Ngày 10/10, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, phối hợp với Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án LinkSME, đã tổ chức khóa đào tạo tập huấn "Tầm nhìn và hướng dẫn triển khai chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Khánh Hòa".

Đây là một trong những hoạt động cụ thể trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Chương trình thu hút gần 200 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Chương trình thu hút gần 200 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Theo bà Trịnh Thị Hương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, hiện có một tỷ trọng không nhỏ doanh nghiệp đã ứng dụng các phần mềm, giải pháp vào hoạt động bán hàng, quản lý khách hàng, kênh phân phối hay nghiệp vụ quản trị.

“Trong hơn một năm vừa qua, từ khi Đảng và Nhà nước ban hành các chủ trương, định hướng về thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, chúng tôi đã nhìn thấy sự chuyển biến tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã có nhận thức khá tốt về sự cần thiết phải chuyển đổi số, kết quả mà chuyển đổi số mang lại và bước đầu thực hiện chuyển đổi số tại doanh nghiệp của mình nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh nói chung” - bà Trịnh Thị Hương cho biết.

Cũng theo bà Trịnh Thị Hương, tính đến nay, chương trình đã hỗ trợ đào tạo, tư vấn, nâng cao nhận thức trực tiếp cho hơn 6.500 doanh nghiệp tại 15 tỉnh, thành phố, và hàng nghìn doanh nghiệp tiếp cận trực tuyến khác.

Ông Nguyễn Trung Kiên - chuyên gia chuyển đổi số, Chủ nhiệm tư vấn cấp cao Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam) cho biết, chuyển đổi số là hành trình thay đổi của tổ chức theo một cách sáng tạo và liên tục; trên phương diện con người và quy trình, được hiện thực hóa bởi các công nghệ đột phá, để nâng cao hiệu suất mô hình kinh doanh của nó.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, chuyển đổi số không đơn giản chỉ là áp dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Yếu tố quan trọng để thành công trong bất kỳ chuyển đổi nào là chuyển đổi chiến lược và mô hình kinh doanh, hướng tới tăng hiệu quả kinh doanh và hiệu quả vận hành của doanh nghiệp.

Grab đã ứng dụng công nghệ để kết nối nông sản của người nông dân đến người tiêu dùng.
Grab đã ứng dụng công nghệ để kết nối nông sản của người nông dân đến người tiêu dùng.

Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Kiên dẫn ví dụ, Grab đã ứng dụng cộng nghệ để đưa nông sản của đến tay người tiêu dùng. Đây không phải là quá trình chuyển đổi số, nhưng đây là một sáng tạo trong ý tưởng kinh doanh liên quan đến chuyển đổi số.

“Chuyển đổi số có thể áp dụng các giải pháp công nghệ để tăng hiệu quả kinh doanh (bán hàng, truy xuất…), hiệu quả quản trị (quản trị nhân sự, kế toán,…). Áp dụng các giải pháp tự động hóa, thu thập, phân tích thông tin để gia tăng hiệu quả sản xuất và mức độ tham gia vào chuỗi giá trị. Ví dụ như sử dụng giải pháp tưới tiêu tự động; sử dụng ứng dụng di động để ghi chép nhật ký đồng ruộng; áp dụng máy bay không người lái để phun thuốc sâu đảm bảo liều lượng và độ đồng đều…”-  ông Nguyễn Trung Kiên gợi mở.

Chia sẻ về cơ hội thúc đẩy tiêu thụ nông sản, ông Dương Phước Hậu - Quản lý cao cấp, Phát triển kinh doanh khu vực miền Trung Grab Việt Nam cho biết, doanh nghiệp và người nông dân cần áp dụng chuyển đổi số để việc trồng trọt, kinh doanh song hành với quá trình liên kết tiêu thụ nông sản, tránh việc “được mùa, mất giá”.

“Grab mong muốn thông qua nền tảng công nghệ và mạng lưới đối tác rộng lớn của mình có thể kết nối các địa phương trong tiêu thụ trái cây, nông sản và sản vật địa phương để tìm được đầu ra cho nông sản một cách hiệu quả hơn. Nhu cầu tiêu dùng của người dẫn được đáp ứng một cách đầy đủ và an toàn” - ông Dương Phước Hậu chia sẻ.

Cũng tại chương trình, ông Ngô Minh Đức - CEO Công ty Cổ phần Công nghệ du lịch Gotadi đã chia sẻ về kinh nghiệm chuyển đổi số trong ngành du lịch, dịch vụ và nhấn mạnh rằng ngành du lịch cần phải đón đầu công nghệ để phát triển trong thời gian tới.

 

Ngay từ đầu năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động ban hành Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, giao Cục Phát triển doanh nghiệp là cơ quan đầu mối, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức hiệp hội và các đối tác cùng triển khai thực hiện.

Chương trình được thiết kế với 4 mục tiêu chính: Chuyển đổi nhận thức, tầm nhìn, chiến lược của doanh nghiệp; hỗ trợ số hóa các hoạt động kinh doanh; hỗ trợ số hóa quy trình quản trị, quy trình công nghệ, sản xuất; hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện để tạo ra sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới cho doanh nghiệp.