Trong 2 ngày 23-24/11 tới, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội) sẽ diễn ra chuỗi hoạt động văn hóa đặc sắc chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam và Khánh thành quần thể Tháp Chăm. Chương trình có sự tham gia của cộng đồng dân tộc Chăm và Raglai trong cả nước.
Chương trình gồm các hoạt động như: Lễ hội Katê, Lễ trưởng thành cho thiếu nữ Chăm Bà Ni - Ninh Thuận; Lễ cưới người Chăm An Giang; Triển lãm, trưng bày hiện vật, sản vật đặc trưng, Văn hóa các dân tộc Việt Nam và của đồng bào dân tộc Chăm trong thời kỳ hội nhập và phát triển; Chương trình nghệ thuật Chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam…
Quần thể tháp Chăm tại làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Điểm nhấn của chương trình là Lễ mở cửa Tháp - Khánh thành quần thể Tháp Chăm diễn ra 9h ngày 23/11. Tại đây, cộng đồng dân tộc Chăm sẽ giới thiệu đến công chúng các nghi lễ đặc sắc như: Lễ đón rước y phục; Lễ tắm tượng thần; Lễ mặc y phục cho tượng thần… cùng các màn biểu diễn dân ca, dân vũ, dân nhạc, trò chơi,…dân tộc Chăm.
Được khởi công xây dựng từ năm 2008, nằm trong dự án Quy hoạch tổng thể Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Khu đền tháp Chăm là biểu tượng của nền văn hóa, tôn giáo của dân tộc Chăm. Tháp Chăm tại đây được xây dựng theo nguyên mẫu với tháp Po Klong Garai Ninh Thuận theo tỷ lệ 1:1, bao gồm: Tháp chính - tháp Kalan cao hơn 20 m, tháp cổng - tháp Gopura cao hơn 8 m và tháp hỏa - tháp Kosaghra cao hơn 9 m.
Tháp trung tâm được xây bằng gạch, có bốn mặt hình vuông đối xứng nhau. Mặt trước hướng về phía đông, có cửa ra vào, ba mặt còn lại ở 3 hướng và có 3 cửa giả. Tháp có 3 tầng được cấu trúc như nhau, càng lên cao càng thu nhỏ dần và kết thúc bằng một Linga bằng đá trên nóc tháp. Tất cả thành phần kiến trúc đi vào mảng khối, vòm cửa thu vào và vút cao hình mũi giáo. Trên mặt tường các trụ ốp được tạo với những đường gờ nổi chạy dọc thân tường tháp, các góc được tạo những phiến đá điểm cách điệu. Tất cả đều đúng như nguyên mẫu của tháp ở Ninh Thuận.