Với khu vực di tích "trọng điểm" của Hà Nội này, phần đông các chuyên gia đều nhất trí quan điểm: Không thể "đóng cửa" nghiên cứu!
Hé lộ không gian Điện Kính Thiên
Các nhà khảo cổ học đã mở 2 hố khai quật có tổng diện tích 100m2 trong Thành cổ để lần tìm dấu vết của không gian Điện Kính Thiên - nơi đặc biệt quan trọng ở khu trung tâm Kinh thành Thăng Long xưa mà dấu vết còn lại rõ nhất hiện giờ là đôi rồng đá chầu trước sân Điện. Diện tích khai quật có "khiêm tốn", song các lớp văn hóa lộ ra dưới lòng đất cho người làm khảo cổ niềm vui vì "đồng hành" với kết quả nghiên cứu năm ngoái. Ấy là những lớp văn hóa chồng xếp lên nhau, từ trên xuống dưới: Lớp hiện đại, lớp văn hóa thời Nguyễn, lớp văn hóa thời Lê, lớp văn hóa thời Lý - Trần và lớp văn hóa Đại La.
Nhiều di vật có giá trị đã được phát hiện trong các hố khai quật thăm dò khu vực Điện Kính Thiên. Ảnh: Thục Trinh
|
"Ta nên tiến tới mục tiêu khai quật toàn bộ khu vực này, bắt đầu từ Đoan Môn theo chiều dọc Bắc - Nam, tiến lên phía Nam. Chỗ nào cần thì mở rộng khai quật, và khai quật không phải chỉ để nghiên cứu mà phải nghĩ đến việc bảo tồn" - GS Phan Huy Lê |
Trong các tầng văn hóa này là sự xuất hiện của các di tích kiến trúc các thời kỳ nằm chồng xếp, cắt phá và đan xen lẫn nhau. Đáng chú ý là sự xuất hiện đường nước lớn chạy theo hướng Đông - Tây ở thời Lý và cống nước lớn thời Trần có một đoạn chạy song song với nó; Rồi 2 dấu tích kiến trúc có 2 móng trụ đang chạy theo hướng Đông - Tây song song với một dấu tích móng tường và dấu tích sân nền lát gạch vuông thời Lý. Như PGS.TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học nhận định: "Đây là lần đầu tiên phát hiện thấy dấu tích móng trụ và sân nền lát gạch thời Lý ở trục Trung tâm. Có ý kiến suy đoán đó là dấu tích dân Đại Triều thời Lý". Ở thời Trần còn có hiện diện 3 kiến trúc có móng trụ được xây cất bằng ngói vụn, dấu tích tường bao, dấu tích bồn hoa. Ở thời Nguyễn thì tìm thấy dấu tích móng trụ của các kiến trúc có vị trí gần trùng khớp với kiến trúc trên bản đồ thời Nguyễn… Và trong các hố khai quật tiếp tục phát lộ hệ thống di vật phong phú, mà khi qua chỉnh lý chi tiết, các di vật đã cho biết rõ thêm đặc trưng nghệ thuật trang trí kiến trúc khu vực trục Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
PGS.TS Tống Trung Tín khẳng định: Các cuộc khai quật đã dần dần làm hé lộ không gian chính Điện Kính Thiên thời Lê sơ và Lê Trung Hưng. Tuy nhiên, hiện nay chưa thấy rõ được bố cục của kiến trúc thời Lý và thời Trần ở đây. Do vậy, các suy luận về trục Trung tâm của thời Lý và thời Trần cần tiếp tục trong thời gian tới. Các hố khai quật đã chứng minh nhận định của GS Ueno (Nhật Bản) rằng: "Đây là di sản có dấu tích kiến trúc dưới lòng đất được bảo tồn tốt nhất khu vực châu Á", đồng thời cũng chứng minh nhận định của GS Phan Huy Lê: "Càng nghiên cứu càng hiểu biết sâu sắc hơn về giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long".
Mở cửa quảng bá và bảo tồn
Trước những dấu tích và hiện vật khảo cổ giá trị, bao giờ người ta cũng tính ngay chuyện bảo tồn và phát huy giá trị, nhất khi khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Dù không hẹn trước, song 100% chuyên gia đều cho rằng, không nên "đóng cửa" di tích lặng lẽ nghiên cứu, mà cần trưng bày, "mở cửa" đón khách để quảng bá và giới thiệu những giá trị còn nằm trong lòng đất này.
Ngoài một kế hoạch nghiên cứu tổng thể lâu dài, trong đó tính đến việc mở rộng khai quật để tìm vùng "lõi" Điện Kính Thiên, ai cũng cho rằng Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long cần tính ngay một kế hoạch trước mắt, cụ thể là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam bày tỏ: "Từ kinh nghiệm rút ra ở khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, tôi cho rằng, nên giữ lại dấu ấn khảo cổ học của khu Điện Kính Thiên trong mùa xuân này để giới thiệu cho nhân dân biết giá trị của di sản. Việc này cần được kết hợp với hướng dẫn của cán bộ Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long, những bài giới thiệu về di sản và trưng bày hiện vật. Sau đó lấp đi để bảo quản, đồng thời mở rộng tiếp tục tìm khu lõi Điện Kính Thiên". PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung (trường ĐH KHXH&NV) còn cho rằng, với các di vật tìm thấy nên được áp dụng kỹ thuật 3D trong việc trưng bày và giới thiệu để người dân tường tận hơn về di sản; với các hố khảo cổ, sau thời gian trưng bày nên lấp đi chờ đến khi có điều kiện sẽ làm bảo tàng ngoài trời. "Việc khai quật khảo cổ bây giờ cũng nên tính đến hướng khai quật để bảo tồn bên cạnh việc khai quật để nghiên cứu" - PGS Dung khẳng định.
Đúng như ý kiến của GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, khi nhìn về khu khảo cổ Điện Kính Thiên: "Ta không thể "đóng cửa" nghiên cứu, mà phải nghĩ đến quyền hưởng thụ của cộng đồng - điều mà UNESCO hết sức coi trọng khi xem xét, đánh giá di sản".
"Dù đã có yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, song việc bàn giao hiện vật từ Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long vẫn trì trệ từ tháng 10/2013 cho đến tận hôm nay. Chưa ai biết được có bao nhiêu di vật, di vật như thế nào được tìm thấy trong hơn 42.000m2 khai quật khảo cổ tại đây. Việc này là "phạm luật" và cản trở cho quá trình nghiên cứu tổng thể khu Hoàng thành Thăng Long".
TS Nguyễn Văn Sơn Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long |