Trong ngày đầu, 3 đoàn khảo sát do các lãnh đạo Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội làm Trưởng đoàn đã triển khai hoạt động khảo sát, đo lường tại quận Hai Bà Trưng, Văn phòng UBND TP, Sở Ngoại vụ, Sở Văn hóa và Thể thao, UBND huyện Phú Xuyên, UBND huyện Thường Tín.
Làm việc tại UBND quận Hai Bà Trưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh cho biết: Việc tổ chức các đoàn khảo sát tại các Sở, ngành, quận, huyện là để thực hiện Kế hoạch số 121/KH-UBND, của UBND Thành phố về đo lường Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các Sở, cơ quan tương đương Sở, UBND các quận, huyện, thị xã thuộc Thành phố năm 2023; và Kế hoạch số 120/KH-UBND, của UBND Thành phố về khảo sát, đo lường và nghiên cứu, phân tích sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với một số dịch vụ công: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Cấp phép xây dựng; Dịch vụ y tế công; Dịch vụ giáo dục công trên địa bàn Hà Nội năm 2023.
Viện trưởng Lê Ngọc Anh nhấn mạnh, năm nay, thành phố chủ trương lấy Chỉ số hài lòng làm 1 trong những tiêu chí đánh giá thi đua của các Sở, ngành, quận, huyện. Do đó, để đáp ứng yêu cầu của Thành phố, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội có những đổi mới trong công tác điều tra xã hội học. Cụ thể, thay vì triển khai vào cuối năm, Viện tiến hành điều tra xã hội học từ thời điểm này, để hoàn thành trong tháng 12/2023, báo cáo UBND Thành phố thông qua và công bố Chỉ số vào tháng 01/2024. Viện cũng đã phân công 132 cán bộ, viên chức và cộng tác viên (là giảng viên, chuyên viên, sinh viên trường ĐH Thủ đô) tham gia 03 đoàn, trực tiếp khảo sát tại 52 đơn vị theo Kế hoạch đã ban hành.
Đối với nhiệm vụ khảo sát, đo lường và nghiên cứu, phân tích sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với một số dịch vụ công, việc khảo sát được thực hiện kết hợp giữa hình thức trực tuyến và trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (bộ phận một cửa) của các đơn vị và khảo sát trực tiếp tại các cơ sở y tế công, giáo dục công của Thành phố. Đối với nhiệm vụ đo lường Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các Sở, cơ quan tương đương Sở, UBND các quận, huyện, thị xã. Việc khảo sát được thực hiện trực tiếp tại bộ phận một cửa. Riêng đối với Văn phòng UBND Thành phố, khảo sát trực tiếp cá nhân, người đại diện tổ chức của các Sở, cơ quan tương đương Sở và 30 quận, huyện, thị xã. Cùng với đó, Viện có thể kết hợp hình thức truy hồi, lấy ý kiến của người dân đã thực hiện các thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của đơn vị từ 1/1/2023 đến tháng 7/2023 làm một phương án khảo sát...
Do đó, để nâng cao Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức năm 2023, các Sở, ngành, quận, huyện cần dựa vào kết quả Chỉ số hài lòng năm 2022 đã công bố, phân tích kỹ lưỡng để tìm ra nguyên nhân vì sao Chỉ số chưa đạt yêu cầu, từ đó có các giải pháp để cải thiện Chỉ số một cách hiệu quả. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm tới việc thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân về cải cách hành chính, Chỉ số hài lòng của cá nhân, tổ chức; tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ; tiếp tục cải thiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính, tính đến các yếu tố số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính... "Với sự chủ động của các đơn vị trong việc nhìn nhận, đánh giá, tìm nguyên nhân trước các Chỉ số chưa đạt yêu cầu, sự chủ động trong tìm giải pháp khắc phục, tôi tin tưởng năm 2023, Chỉ số của quận sẽ khởi sắc" - Viện trưởng Lê Ngọc Anh khẳng định.
Các nội dung quan trọng của đợt khảo sát, đo lường chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức năm 2023 cũng được Phó Viện trưởng Võ Hải Long và Phó Viện trưởng Tạ Minh Thuận triển khai tại huyện Phú Xuyên, huyện Thường Tín, Văn phòng UBND Thành phố, Sở Ngoại vụ, Sở Văn hóa và Thể thao. Sau buổi làm việc chiều ngày 28/6 này, các đoàn khảo sát sẽ lần lượt thực hiện công tác khảo sát tại 52 đơn vị quận, huyện, sở, ngành thuộc thành phố Hà Nội.