Đợt khảo sát được đánh giá nghiêm túc, giúp giáo viên (GV), học sinh (HS) làm quen với kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
Mặc dù việc tổ chức thi khảo sát cho HS lớp 12 được đánh giá khá tốt, các trường và điểm thi thực hiện nghiêm túc, nhưng nhiều ý kiến nhận định vẫn còn bất cập về bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Hóa học, Vật Lý và Sinh học), Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân), vì tạo áp lực cho cả GV, HS.
Chia sẻ vấn đề này, cô Nguyễn Thị Huyền – Phó Hiệu trưởng trường THPT Đồng Quan (huyện Phú Xuyên) cho rằng, tổ chức thi khảo sát rất tốt, cần thiết, giúp GV quen với quy chế thi, HS làm quen cách ra đề thi. Tuy nhiên, nhiều GV phản ánh đề khó, HS khó đạt được điểm 6 – 7, nên phổ điểm cần rộng hơn. Đề ra khó so với mặt bằng chung. Bên cạnh đó, cô Huyền cũng cho biết, nhiều HS, phụ huynh kêu về tổ hợp môn thi. “Nhiều GV cho biết, 150 phút cho 3 môn là một "cực hình" với HS. Thi 3 môn gây áp lực tâm lý, áp lực học tập, không chỉ HS mà cả GV cũng rất vất vả. Thay vì thi 4 môn năm trước, nay thi 6 môn, vậy nên tách riêng từng môn thi để thí sinh đỡ áp lực tâm lý” – cô Huyền kiến nghị. Đợt khảo sát này được lãnh đạo các nhà trường khẳng định là trải nghiệm tốt với GV, HS để làm quen với cách thi của năm nay, song 50 phút/môn thi tổ hợp, HS sẽ rất mệt mỏi và áp lực về tâm lý. Ngoài ra, việc tổ chức làm đề thi khảo sát vừa qua vẫn còn những thiếu sót. Việc này cũng được lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định sẽ rút kinh nghiệm, rà soát các công đoạn để làm tốt hơn.
Để hạn chế những sai sót trong khi làm đề thi THPT quốc gia 2017, ông Sái Công Hồng - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết, việc ra đề thi phục vụ cho kỳ thi được Bộ thực hiện theo quy trình xây dựng đề thi chuẩn hóa. Ngoài việc mời các chuyên gia thực hiện viết câu hỏi thô, biên tập, lựa chọn, thẩm định các câu hỏi, Bộ GD&ĐT còn tiến hành các bước thử nghiệm câu hỏi thi và đề thi. Việc thử nghiệm được thực hiện bằng cách chọn mẫu các HS lớp 12 ở một số địa phương làm thử câu hỏi thi, đề thi để định cỡ các câu hỏi thi cũng như phát hiện tính chính xác của các đáp án của câu hỏi thi. Sau đó, Bộ sẽ phân tích độ khó, độ tin cậy của các câu hỏi, rà các phương án “nhiễu” của câu hỏi thi, độ tin cậy, độ giá trị… của đề thi để điều chỉnh một cách thống nhất, chuẩn xác. Mỗi câu hỏi được chuẩn chỉnh sau khi thử nghiệm trước khi đưa vào sử dụng chính thức. 100% số câu hỏi đã biên tập, lựa chọn và thẩm định được tiến hành thử nghiệm và đặc biệt có bước thử nghiệm đề thi vào cuối tháng 4, khi các em HS đã hoàn thành chương trình học tập toàn khóa để phân tích đề thi và cân bằng độ khó giữa các đề thi, bảo đảm các đề thi có độ khó hoàn toàn tương đương nhau.
Đối với mẫu đề thử nghiệm, TS Sái Công Hồng cho hay, sẽ được chọn đa dạng đối tượng, vùng miền. Kết quả bài làm của HS qua các đợt thử nghiệm sẽ được phân tích phần mềm khảo thí chuyên dụng để phân tích các thông số định chuẩn của các câu hỏi và các đề thi. Những câu hỏi không đạt độ tin cậy (do quá sức thí sinh, do không nằm trong chương trình, do sai kiến thức không giải được….) sẽ được hiển thị trên kết quả phân tích và lập tức được xem xét lại hoặc loại bỏ.