Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khát khao một trang trại nông sản sạch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ấp ủ mơ ước được làm chủ trang trại từ nhỏ, nhưng phải tới khi bước qua tuổi 50, bà Nguyễn Thị Liên, xã Phú Cường huyện Sóc Sơn mới hoàn thành được tâm nguyện.

Điều khiến nhiều người tò mò là mô hình trang trại được xây dựng ban đầu để nuôi… giun quế.

Phát triển từ nghề nuôi giun quế

Về thôn Tân Phú, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn hỏi nguyên Thiếu tá quân đội Nguyễn Thị Liên, ai cũng biết. Nhiều năm qua, trại giun quế của bà Liên là điểm thu mua phân gia súc, gia cầm cho bà con không chỉ trong thôn mà trên địa bàn các xã Phú Cường, Phú Minh, Mai Đình… Nghe khá lạ lẫm, nhưng đây lại là nguồn nguyên liệu chính phục vụ việc nuôi giun quế. Vừa dẫn chúng tôi đi thăm trại giun quế, bà Liên vừa kể, bản thân từng có trên 30 năm công tác tại Nhà máy Z153 (thuộc Binh chủng Tăng Thiết Giáp). Năm 2002, về nghỉ chế độ với quân hàm Thiếu tá. Tuy nghỉ chế độ, nhưng trong tâm trí bà Liên không có khái niệm “ngơi nghỉ”. Thay vào đó, bà bắt tay vào tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, với mục tiêu gây dựng cho bằng được một trang trại. Qua tài liệu sách báo, các phương tiện truyền thông, bà Liên rất thích thú khi biết đến mô hình lạ là nuôi giun quế. Nghĩ là làm, bà mạnh dạn vay vốn, sử dụng toàn bộ số tiền dành dụm, tiết kiệm được trong suốt cuộc đời quân ngũ để đầu tư nuôi khoảng 400m2 giun quế. 
Bà Liên kiểm tra khu vực nuôi giun quế.
Bà Liên kiểm tra khu vực nuôi giun quế.
Do là sản phẩm mới nên việc tiêu thụ giun quế của trang trại gặp không ít khó khăn. Nhiều hộ chăn nuôi chưa có thói quen sử dụng giun quế làm thành phần thức ăn cho chăn nuôi, càng ít cơ sở thu mua giun quế khô làm chế phẩm sinh học. Trong bối cảnh việc tiêu thụ khó khăn, bà Liên đã quyết định nuôi thêm khoảng 30 con lợn và đàn gà 100 con. Việc sử dụng giun quế cho chăn nuôi giúp mang lại sản phẩm thịt lợn, gà thơm ngon và an toàn hơn khi sử dụng thức ăn công nghiệp. Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều đơn vị kinh doanh thực phẩm sạch trên địa bàn Hà Nội, cơ quan Nhà nước và bà con nội trợ tìm đến trang trại mua thịt. Việc tiêu thụ thuận lợi, bà Liên mở rộng dần quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm. Một mặt để cung ứng thịt sạch cho thị trường, thứ đến là để quảng bá hiệu quả từ việc sử dụng giun quế làm thức ăn cho vật nuôi.    

Ấp ủ một dự định

Đến nay, trại giun quế của bà Liên đã mở rộng quy mô thành 3 điểm sản xuất. Tổng diện tích nuôi giun quế của gia đình hiện lên tới trên 2.000m2. Bà con nông dân nhiều địa phương bước đầu nhận thấy hiệu quả từ chế phẩm chăn nuôi từ giun quế. Ngày càng có nhiều người đặt mua giống giun quế để nuôi. Hiện, mỗi tháng trang trại cung ứng cho thị trường toàn miền Bắc khoảng 1 tấn giun giống. Một số đơn vị chế biến sinh phẩm cũng thu mua khoảng 100kg giun khô tại trang trại mỗi tháng. Bên cạnh cung ứng giun quế giống, giun quế khô, đàn lợn thương phẩm của gia đình bà Liên khoảng 300 con cung ứng cho các đơn vị kinh doanh thực phẩm sạch trên địa bàn Hà Nội trên dưới 1.000kg thịt lợn mỗi tuần. Hàng chục lợn nái được nuôi tại trang trại cũng giúp bà Liên đảm bảo được nguồn cung giống tại chỗ. Đến nay, tổng doanh thu hàng năm từ trại giun quế khoảng 2 tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, trại giun quế của bà Liên còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 15 lao động địa phương. Nhiều bà con cũng có thêm thu nhập trực tiếp từ việc bán phân gia súc, gia cầm cho trại giun quế. 

Bên cạnh làm kinh tế, đảm bảo vệ sinh môi trường là vấn đề được bà Liên đặc biệt quan tâm. Do đó, ngay từ khi ấp ủ mô hình nuôi giun quế, kết hợp chăn thả gia súc, gia cầm, bà đã đầu tư xây dựng hệ thống biogas. Thực tế, dù là trang trại chăn nuôi tổng hợp nhưng khi ghé thăm, khách hầu như không ngửi thấy mùi phế thải của lợn, gà. Bà Liên cho hay, mới đây, sản phẩm thịt lợn sạch của trang trại đã thành công trong việc đăng ký nhãn hiệu bảo hộ. Thời gian tới, bà sẽ đưa khu giết mổ vào vận hành. Theo đó, sẽ chế biến và đóng gói sản phẩm thịt lợn sạch ngay tại trang trại, thay vì bán thịt lợn hơi như hiện nay. Dù đã lớn tuổi nhưng bà Liên vẫn còn nhiều khát vọng trong công việc. Bà cho biết, sẽ hướng tới phát triển mô hình rau sạch với quy mô 1.000m2, biến trang trại thành nông trang với đa dạng các loại nông sản sạch.