Xác định được tầm quan trọng của ngành bán dẫn, Việt Nam đang ra sức xây dựng chủ trương, chính sách đào tạo nhân lực để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Thiếu trầm trọng nhân lực chất lượng cao
Tại Việt Nam, ngành công nghiệp bán dẫn được nhận định có nhiều tiềm năng tạo đột phá thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA), doanh số của lĩnh vực bán dẫn vi mạch năm 2022 đạt xấp xỉ 600 tỷ USD. Trong những năm tới, thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ tăng trưởng với mức tăng 2 con số để đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
Trong báo cáo của Công ty Technavio có ghi, thị trường bán dẫn Việt Nam dự kiến tăng 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2025, với tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5%/năm. Sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng là nguyên nhân trực tiếp giúp các nhà máy bán dẫn ở Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút nguồn vốn FDI trong thời gian qua.
Cùng sự gia tăng đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam có tiềm năng trở thành đối tác của nhiều quốc gia lớn trên thế giới trong lĩnh vực này.
Để hiện thực hóa chủ trương của Việt Nam trong việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, Chính phủ đã xác định bán dẫn là 1 trong 9 sản phẩm quốc gia. Phát triển sản phẩm của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn sẽ góp phần chuyển hóa các thành tựu khoa học - công nghệ thành hàng hóa thương mại có giá trị gia tăng cao.
Do gia tăng nhu cầu về sản phẩm công nghệ thông minh có sử dụng các linh kiện bán dẫn kéo theo ngành công nghiệp bán dẫn phát triển mạnh, nhu cầu lao động ngành này vì thế tăng cao. Tuy nhiên, thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực đã trở thành khó khăn lớn của ngành công nghiệp bán dẫn.
PGS.TS Nguyễn Văn Quy (Viện Đào tạo quốc tế về khoa học vật liệu) cho biết, các báo cáo từ quốc tế đều cho thấy, Việt Nam đang rất thiếu nhân lực chất lượng cao, nắm giữ các vị trí chủ chốt trong việc thiết kế, sản xuất chip, vi mạch.
Khi khảo sát nhu cầu từ hơn 30 DN để xây dựng chương trình ngành kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano, nhiều công ty lớn như Samsung, LG chia sẻ, mỗi năm, họ sẵn sàng tuyển dụng hàng trăm nhân sự vào vị trí kỹ sư thiết kế, chế tạo, sản xuất chip và linh kiện điện tử.
TS Nguyễn Văn Quy nhận định, vấn đề lớn nhất của Việt Nam hiện nay chính là thiếu nguồn nhân lực bán dẫn. Trong đó, rõ nhất là nguy cơ thiếu nguồn kỹ sư phần mềm chip được đào tạo bài bản, bảo đảm vững chắc cho kế hoạch xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất của các “ông lớn” tại Việt Nam. Nếu không khẩn trương có giải pháp, nhân lực ngành bán dẫn sẽ lâm vào cảnh “giật gấu vá vai”, không theo kịp sự phát triển của ngành.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng từng cho biết, nhu cầu nhân lực CNTT, công nghiệp số của Việt Nam khoảng 150.000 kỹ sư/năm, nhưng hiện mới đáp ứng được 40 - 50%. Trong đó, riêng nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là 5.000 - 10.000 kỹ sư/năm, song khả năng đáp ứng chưa đến 20%.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ TT&TT đang chuẩn bị trình Chính phủ Chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn. Định hướng chủ yếu là phát triển công nghiệp bán dẫn trong một hệ sinh thái, kết hợp thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào ngành bán dẫn, ưu tiên thu hút các công đoạn có giá trị gia tăng cao và Việt Nam có thể tự lực ở một số công đoạn trong chuỗi công nghiệp bán dẫn (như thiết kế, kiểm thử, đóng gói); kết hợp phát triển bán dẫn, vi mạch và phát triển thiết bị điện tử…
Dành nhiều nguồn lực đầu tư cho đào tạo
Để giải quyết vấn đề vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài, giải pháp hàng đầu hiện nay là đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn. Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình đề xuất Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi về pháp lý và cam kết đầu tư đào tạo 30.000 - 50.000 chuyên gia bán dẫn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành.
Ông Trương Gia Bình mong muốn, Trường đại học FPT nhận được đầu tư để đào tạo kỹ sư chuyên về thiết kế chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), nhằm nâng cao năng lực của lực lượng lao động trong các lĩnh vực quan trọng này.
Nói về vai trò của kỹ sư thiết kế trong ngành sản xuất chip, ông Nguyễn Thanh Yên - Quản trị Cộng đồng vi mạch Việt Nam khẳng định, nếu Việt Nam tập trung phát triển mạnh đội ngũ kỹ sư thiết kế, thì chắc chắn sẽ thu “trái ngọt” trong 5 - 10 năm tới.
Theo đề xuất của ông Yên, Nhà nước cần tập trung tối đa nguồn lực đầu tư công cho đào tạo. Ví dụ, các nguồn lực đầu tư của Nhà nước sẽ trực tiếp đưa về các cơ sở đào tạo dưới những hình thức như giảm học phí cho sinh viên đăng ký học các học phần liên quan đến vi mạch, tăng phụ cấp cho thầy, cô giáo đào tạo các môn học thiết kế chip… Hiệu quả đầu tư sẽ được đo bằng số DN vi mạch mới thành lập hàng năm và số sinh viên được đào tạo chuyên ngành về vi mạch ra trường có việc làm hàng năm.
Nắm bắt được nhu cầu nhân lực của ngành bán dẫn, Bộ GD&ĐT đang xây dựng Kế hoạch hành động toàn ngành thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng, chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nhất là kỹ sư thiết kế vi mạch.
Thống kê của Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay có 35 cơ sở giáo dục đào tạo đại học của Việt Nam đang trực tiếp đào tạo lĩnh vực trực tiếp, hoặc gần với ngành này. Còn theo số liệu từ Cổng thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Việt Nam hiện có hơn 5.570 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn. Nhân lực ngành vi mạch tập trung chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh với trên 85%, tại Hà Nội khoảng 8% và Đà Nẵng khoảng 7%. Mỗi năm chỉ có khoảng 500 - 600 sinh viên tốt nghiệp ngành bán dẫn từ các trường đại học của Việt Nam.
Để gia tăng nhanh số kỹ sư tốt nghiệp ngành bán dẫn, các trường cũng đã tổ chức mạng lưới để cùng chia sẻ kinh nghiệm thiết kế chương trình, tăng cường điều kiện, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu đào tạo.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng đã liên kết, hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn công nghệ thông tin toàn cầu để nắm bắt chính xác con số nhân lực cần thiết cho ngành bán dẫn. Trong năm 2024, sẽ tuyển sinh đào tạo trên 1.000 nhân lực trực tiếp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, và các lĩnh vực liên quan sẽ tuyển trên 7.000 học viên. Các con số tuyển sinh sẽ tăng dần theo từng năm để đáp ứng yêu cầu nhân lực ngành bán dẫn theo đúng kế hoạch đặt ra.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đề xuất giải pháp chuyển sinh viên các ngành học gần như điện tử, kỹ thuật điện, tự động hóa, cơ điện tử sang đào tạo ngành bán dẫn để tăng tỷ lệ tốt nghiệp mỗi năm lên 3.000 - 4.000 người.
Thêm vào đó, nhiều sinh viên tốt nghiệp trong ngành điện tử viễn thông, đã có kinh nghiệm làm việc trong các công ty liên quan đến thiết kế vi mạch, bán dẫn. Những nhân lực này nếu được đào tạo lại đúng chuyên ngành bán dẫn sẽ tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao với kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tế.
Đào tạo lại những kỹ sư đã tốt nghiệp chuyên ngành gần bán dẫn là giải pháp nhanh chóng tăng lượng nhân lực ngành bán dẫn cung cấp cho thị trường lên mức 5.000 - 6.000 kỹ sư/năm.
Hồi giữa tháng 10/2023, 5 đơn vị gồm: Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Đà Nẵng đã ký kết biên bản hợp tác liên minh về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Đây là cơ sở để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, cũng như tăng cường hợp tác hiệu quả giữa các cơ sở đào tạo với DN bán dẫn khai thác chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu từ nay đến 2030 và tầm nhìn đến 2045.