Có thể kể ra hàng loạt dự án hạ tầng được xếp vào danh mục cấp bách, trọng điểm tại Hà Nội đang bị chậm tiến độ như Vành đai 3, đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long; Vành đai 2, đoạn Trường Chinh - Ngã Tư Sở; Vành đai 2,5, đoạn Đầm Hồng - QL1; Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn; Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa; Tiếp nước sông Tích... Thậm chí, nhiều đại dự án mang tầm quan trọng chiến lược, có ý nghĩa đặc biệt đối với TP như tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội; Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo...
Theo báo cáo của Sở KH&ĐT, tổng số công trình trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 được HĐND TP thông qua là 55 dự án (26 dự án sử dụng vốn ngân sách và ODA; 27 dự án đầu tư theo hình thức PPP; 2 dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa), với tổng mức đầu tư 487.276 tỷ đồng. Đến nay, có 4 dự án đã hoàn thành; 17 dự án chuyển tiếp đang đẩy nhanh tiến độ thi công; 34 dự án đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư… |
Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chậm tiến độ các dự án cấp bách này là vướng mắc trong khâu GPMB. Có dự án chậm một vài tháng, một vài năm, song cũng có những dự án đã chậm đến hàng chục năm. Ví như dự án Vành đai 2,5, đoạn Đầm Hồng - QL1, đến nay đã gần 20 năm chưa triển khai xong và công tác GPMB vẫn đang vô cùng vướng mắc. Mặc dù UBND TP Hà Nội đã rất quan tâm, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư; chỉ đạo quận Hoàng Mai phải hoàn thành GPMB xong trước ngày 30/6 vừa qua. Nhưng thực tế đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa tìm được sự đồng thuận của người dân.
Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành phân tích, chậm trễ GPMB là thiệt đơn, thiệt kép. TP thiệt, nhà đầu tư, nhà thầu chịu thiệt, và quan trọng là người dân phải chịu thiệt thòi nhất. Chậm GPMB khiến các dự án giao thông không triển khai được, hoặc dở dang nên ùn tắc, mất ATGT diễn ra ở nhiều nơi, kéo dài một cách bế tắc. Hay như một số trạm bơm tiêu chưa được xây dựng, vận hành nên nhiều khu dân cư mới lâm vào cảnh ngập lụt nghiêm trọng mỗi khi mưa lớn. “Cần phải có giải pháp tổng thể và hiệu quả cho vấn đề GPMB. Nhiều dự án được xếp vào danh mục cấp bách, trọng điểm nghĩa là cực kỳ cần thiết đối với đời sống Nhân dân. Hơn nữa, chậm là lãng phí vô khối tiền của xã hội” - ông Thành nhấn mạnh.
Lời giải nằm ở địa phươngCác chuyên gia cho rằng, khâu GPMB đúng là tồn tại rất nhiều khó khăn, muôn hình vạn trạng; nhưng lời giải quan trọng nhất chỉ có một, đó là: Chính quyền địa phương. Thạc sĩ quản lý đô thị Đinh Quốc Thái phân tích, chính quyền địa phương là những người gần dân nhất, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của người dân nhất nên chỉ có họ mới tổ chức, làm tốt được công tác GPMB. “Không chỉ tuyên truyền, thuyết phục, bảo vệ lợi ích chính đáng cho người dân, chính quyền địa phương còn phải là cầu nối giữa người dân và chủ đầu tư dự án để thương lượng, giải quyết khi có vướng mắc, tìm ra đáp án hài hòa lợi ích cho các bên” - ông Thái bày tỏ.
Hiện có những quận, huyện, thị xã làm tốt công tác GPMB nhưng thực tế cũng có nơi vì thiếu quyết liệt, xao nhãng, hoặc yếu kém trong công tác này. Ví như cùng một dự án Vành đai 3, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, quận Cầu Giấy đã cơ bản hoàn thành GPMB, trong khi quận Bắc Từ Liêm lại ì ạch, lần khần. Ông Phan Trường Thành nhận định: “Điều đó chứng tỏ vai trò và năng lực của chính quyền địa phương rất quan trọng, biết phát huy thì hiệu quả tốt; thiếu quyết tâm, sáng tạo sẽ ảnh hưởng toàn diện đến dự án và thậm chí là gây bức xúc cho Nhân dân”.
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu chính quyền địa phương phải tập trung quyết liệt để hoàn thành công tác GPMB. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm toàn diện về tiến độ GPMB các công trình trọng điểm trên địa bàn. Nhiều chuyên gia cho rằng, quy trách nhiệm đối với người đứng đầu là biện pháp mạnh mẽ, hứa hẹn sẽ tác động tích cực đến cả bộ máy chính trị tại các địa phương. Qua đó tạo động lực thúc đẩy khâu GPMB, giải cứu các dự án hạ tầng đã và đang sa lầy nghiêm trọng.