Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi Bí thư Huyện ủy đối thoại với dân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa bước vào phần đối thoại, hàng chục cánh tay của các đại biểu đại diện cho các xã, thị trấn đồng loạt giơ lên xin được phát biểu ý kiến.

Khi đã "giành" được micro, ai cũng "chất vấn" rất nhiều vấn đề, thậm chí có người chuẩn bị cả mấy trang giấy, đến nỗi Bí thư Huyện ủy ngồi ở vị trí chủ tọa, tay mải miết ghi chép nhưng cũng liên tục nhắc: "Đề nghị các bác nói gắn gọn, đi thẳng vào vấn đề để dành thời gian cho đại biểu khác"... Đó là hình ảnh thường thấy trong mỗi buổi đối thoại giữa Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ  Ngọ Duy Hiểu với dân.
Lãnh đạo huyện Phúc Thọ trao đổi với người dân bên hành lang buổi đối thoại.      Ảnh: Quang Thiện
Lãnh đạo huyện Phúc Thọ trao đổi với người dân bên hành lang buổi đối thoại. Ảnh: Quang Thiện
Háo hức lên nghị trường

Trời còn chưa tỏ, bà Khuất Thị Đá, cụm dân cư số 6, xã Phúc Hòa, huyện Phúc Thọ đã lục đục thức dậy chuẩn bị bữa sáng để còn kịp sang xã Phụng Thượng dự buổi đối thoại giữa Bí thư Huyện ủy với Nhân dân các xã, thị trấn. Trước khi đi, bà không quên gấp tờ giấy ô li kín bốn mặt chữ, cẩn thận bỏ vào túi áo. Đây là những dòng mà bà đã ngồi hàng giờ tối hôm trước để nắn nót viết những vấn đề cần "chất vấn" Bí thư Huyện ủy. Đến xã Phụng Thượng mới gần 8 giờ sáng, bà Đá ngạc nhiên khi thấy những hàng dài xe máy, xe đạp dựng ngổn ngang trong sân UBND xã. Chiếc cầu thang ngoài trời dẫn lên hội trường lớn của xã trên tầng hai nườm nượp người đi lại. Lâu lắm rồi, bà mới cảm nhận được cái không khí rộn ràng như thế. Dựng xe gọn gàng, bà rảo bước lên hội trường và kịp tìm cho mình chiếc ghế trống ở hàng cuối cùng.

Sau khi giải đáp tóm lược một số vấn đề cử tri kiến nghị đã được Văn phòng Huyện ủy tổng hợp trước thềm buổi đối thoại, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu nhanh chóng điều hành vào phần đối thoại. Chỉ chờ đến giây phút ấy, cả hội trường hơn 100 chỗ ngồi bắt đầu nóng ran với những cánh tay giơ lên và lời đề nghị được phát biểu. Có bác nông dân đã ở tuổi ngoài 60, thân hình gầy gò nhưng vẫn nhoài cả người đứng lên để "giành" quyền phát biểu ý kiến. Ở gần cuối hội trường, cánh tay rắn rỏi của bà Đá cũng được chủ tọa để ý. Không chút do dự, bà bắt đầu phần "chất vấn" của mình một cách mạch lạc với nhiều kiến nghị về các vấn đề dân sinh bức xúc như cứng hóa kênh mương thủy lợi nội đồng, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, y tế cơ sở... "Lần đầu tiên được đối thoại với Bí thư Huyện ủy nên tôi rất phấn khởi vì
Đối thoại với dân là một trong những nội dung nhằm thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Chỉ khi nào cán bộ thực sự làm được việc mới dám đối thoại với dân, và lãnh đạo huyện Phúc Thọ đã làm được điều đó. Người đứng đầu huyện đã dám chịu trách nhiệm với dân.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội - Nguyễn Công Soái
có nhiều vấn đề muốn kiến nghị nhưng chưa có cơ hội để nói" - bà Đá chia sẻ.

Có lẽ, đó cũng là tâm trạng chung của rất nhiều người khi tham dự buổi đối thoại với Bí thư Huyện ủy. Ông Nguyễn Viết Nhân, xã Phương Độ tâm sự, trước khi đi dự buổi đối thoại, bà con trong thôn, xóm cũng gửi gắm nhiều tâm tư, nguyện vọng nên ông phải cố gắng "giành" quyền phát biểu ý kiến để có thể truyền đạt những kiến nghị đó tới người lãnh đạo cao nhất huyện. Không khí trong hội trường ngày càng nóng với những câu hỏi trực tiếp liên quan đến đến vấn đề khiếu kiện đất đai, công tác cán bộ, tình trạng tham nhũng... "Đề nghị đồng chí Bí thư Huyện ủy xem xét lại chủ trương lấy con em cán bộ đương chức vào làm việc tại các cơ quan của huyện" - một đại biểu xã Thọ Lộc nêu ý kiến trong sự tán thưởng cao của người dân có mặt tại buổi đối thoại.

Ở trên bàn chủ tọa, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu vừa chăm chú lắng nghe câu hỏi, vừa cẩn thận ghi chép nhưng cũng không quên nhắc nhở các đại biểu nói ngắn gọn vì sợ... "cháy giáo án". Sau khi lắng nghe các câu hỏi, ông Hiểu thẳng thắn trả lời vào những vấn đề người dân nêu. Có đại biểu thắc mắc Bí thư Huyện ủy "hứa" về dự họp với Chi bộ cụm dân cư để giải quyết vấn đề nóng nhưng... không về. Nghe thấy vậy, ông Hiểu lập tức đề nghị lãnh đạo địa phương làm rõ thông tin để giải tỏa thắc mắc cho dân. Rồi về vấn đề khá nhạy cảm là tuyển dụng vị trí việc làm tại huyện, ông Hiểu khẳng định, không có tình trạng cục bộ trong đội ngũ cán bộ, mà tất cả các vị trí đều thi tuyển công chức theo quy định của TP.

Đối với những vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của từng ngành, ông Hiểu cũng giao các phòng chuyên môn như Phòng Nội vụ, Kinh tế, TN&MT, VH-TT, Công an huyện... trả lời người dân. Điều đáng ghi nhận, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ cũng "chấn chỉnh" ngay cách trả lời vòng vo, dài dòng của lãnh đạo một số bộ phận. Rồi khi Công an huyện bị người dân phàn nàn về thái độ phục vụ chưa tận tình, gây khó dễ cho dân, ngay lập tức, ông Hiểu yêu cầu Công an huyện giải trình và nghiêm túc rút kinh nghiệm. Điều này đã phần nào tạo dựng niềm tin cho những người dân tham dự buổi đối thoại về tinh thần trao đổi thẳng thắn và nghiêm túc.

Việc nhỏ, ý nghĩa lớn

Những ngày cận Tết Dương lịch, về các xã Phúc Hòa, Vân Phúc, Sen Chiểu, Thọ Lộc, Võng Xuyên... (huyện Phúc Thọ) ai cũng cảm thấy ấm lòng hơn với sự đổi thay của nhịp sống nơi đây. Những cánh đồng màu mỡ rộng thẳng cánh cò bay được thảm một màu vàng rực rỡ của đậu tương đương mùa chín quả, xen lẫn màu xanh mỡ màng của những ruộng ngô, ruộng rau tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp. Bám quanh những con đường làng được đổ bê tông sạch sẽ là những ngôi nhà cao tầng mọc lên với những lớp mái tôn đỏ tươi thay cho màu ngói cũ. Gương mặt mỗi người dân đều ánh lên niềm vui về một năm Giáp Ngọ nhiều thành quả, bộ mặt xóm làng có nhiều đổi thay. Trong đó, cái được lớn nhất, theo sẻ chia của nhiều người dân, là tâm thế của người nông dân một nắng hai sương đã phần nào thay đổi, nhất là qua các đợt đối thoại giữa Bí thư Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy xã với dân.

Trên cơ sở 2 buổi đối thoại cấp huyện vào tháng 9 và tháng 10/2014, trong tháng 11, toàn bộ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phúc Thọ đã hoàn thành việc đối thoại với Nhân dân. Có thể nói, những buổi đối thoại thẳng thắn, cởi mở và mang tính xây dựng đã thổi vào làng quê đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới một làn gió mát lành. Khi được lắng nghe, tiếp thu, người dân càng thêm tin tưởng để bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng của mình, đặc biệt là những vướng mắc đang tồn tại trong thực tế cuộc sống. "Tuy một số câu trả lời còn chung chung nhưng buổi đối thoại đã thể hiện trách nhiệm, tiếng nói của người đứng đầu huyện, xã với dân khiến cho tôi cảm thấy yên tâm hơn" - chị Phùng Thị Tỵ, xã Vân Hà phấn khởi chia sẻ.

Thành công của những buổi đối thoại thể hiện ở chính sự thay đổi trong chính sách với Nhân dân và thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ. Còn nhớ, trong buổi đối thoại lần đầu tiên vào cuối tháng 9/2014, Văn phòng Huyện ủy Phúc Thọ bị đánh giá là xử lý thủ tục hành chính chậm, sau đó đã sớm được khắc phục. Rồi bộ phận tiếp dân của Công an huyện cũng đã có sự thay đổi thái độ phục vụ sau khi Bí thư Huyện ủy nhắc nhở. Ông Ngọ Duy Hiểu chia sẻ, việc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy với Nhân dân là một kênh quan trọng để lãnh đạo nắm được tâm tư, nguyện vọng của người dân. Đặc biệt, qua đó, lãnh đạo các phòng, ban, ngành, xã, thị trấn thấy được điểm hạn chế trong cách chỉ đạo, điều hành để tiếp tục nâng cao trách nhiệm, đổi mới phương pháp công tác, phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn.

Phúc Thọ là huyện đầu tiên trên địa bàn TP tổ chức đối thoại giữa Bí thư Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy xã với dân. Còn nhớ, cách đây hơn 2 năm, để giải quyết được "điểm nóng" về tranh chấp ruộng đất ở xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên đã phải thành lập các đoàn công tác xuống đối thoại nhiều lần với người dân. Mở rộng ra cả nước, nhiều vấn đề nóng tại các địa phương như Đà Nẵng, Phú Yên, Phú Thọ... cũng chỉ được giải quyết êm thấm khi lãnh đạo đối thoại với người dân. Rõ ràng, bài học về phát huy dân chủ, trọng dân, tin dân có ý nghĩa hơn bao giờ hết, nhất là khi TP đang gấp rút hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó có chỉ tiêu 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015 như Nghị quyết Đại hội Đảng TP khóa XV đã đề ra.