KTĐT - Với sự xông xáo của mình trong lĩnh vực kinh tế thể hiện qua chuyến thăm Ấn Độ, nhiều người đã nhìn thấy ở Tổng thống Obama một "người bán hàng" hơn là một chính khách.
Thời gian 3 ngày của Barack Obama tại Ấn Độ là chuyến thăm nước ngoài dài nhất kể từ ông đắc cử tổng thống Mỹ. Việc Ấn Độ là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Á cũng là một tín hiệu cho thấy ông đánh giá cao giá trị của mối quan hệ với người khổng lồ đang nổi này.
Nếu những tín hiệu trên vẫn là chưa đủ chỉ dấu về tầm quan trọng của Ấn Độ trong chính sách đối ngoại của Mỹ, ông Obama lại "bồi" thêm bằng những bài phát biểu đầy xúc cảm và nói những điều mà người Ấn Độ muốn nghe, trong đó nhắc đi nhắc lại việc Mỹ và Ấn Độ "xác định mối quan hệ đối tác của thế kỷ 21".
"Người bán hàng" Barack Obama
Tổng thống Obama đặt chân tới Ấn Độ hôm 7/11, tạm gác lại phía sau thất bại nặng nề của phe Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, trong đó để mất quyền kiểm soát Hạ viện vào đảng Cộng hoà và bị thu hẹp thế đa số tại Thượng viện. Mục tiêu của ông khi tới quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới khá rõ ràng, đó là tìm kiếm cơ hội cho các doanh nghiệp Mỹ trong nền kinh tế đang nổi như Ấn Độ có thể giúp tạo ra công ăn việc làm trong nước và khôi phục nền kinh tế Mỹ.
Đó cũng là lý do ông chọn điểm đến đầu tiên của mình trên xứ Ấn Độ huyền bí là thành phố Mumbai (Bombay), thủ đô tài chính của nước này. Tại đây ông đã có cuộc gặp kín với lãnh đạo các doanh nghiệp Mỹ và Ấn Độ, trước khi xuất hiện trước báo chí và công bố về 20 thoả thuận kinh tế có trị giá 10 tỷ USD, hứa hẹn tạo ra hơn 50.000 việc làm mới.
Trong hợp tác kinh tế song phương mới đạt được bao gồm lĩnh vực dầu khí và công nghệ. Nổi bật là việc nhà sản xuất máy bay Boeing ký hợp đồng cung cấp cho Ấn Độ có trị giá 2,7 tỷ USD và đang đàm phán về thoả thuận khác có trị giá lên tới 4,5 tỷ USD. AFP dẫn lời ông Obama nhấn mạnh việc Mỹ coi Ấn Độ như một thị trường của tương lai và sự "tăng cường giao thương giữa Ấn Độ và Mỹ sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước". Đây là những chỉ dấu cho thấy Washington đang thực sự muốn lấy lại vị thế là đối tác kinh tế hàng đầu của Ấn Độ.
Với sự xông xáo của mình trong lĩnh vực kinh tế thể hiện qua chuyến thăm Ấn Độ, nhiều người đã nhìn thấy ở Tổng thống Obama một "người bán hàng" hơn là một chính khách. Tuy nhiên, bên cạnh việc kinh tế được phản ánh như trung tâm trong mối quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ, chuyến thăm của ông Obama tới Ấn Độ còn cho thấy hai "ông lớn" của thế giới này có nhiều mối quan hệ khác có thể chia sẻ quyền lợi, đặc biệt là về quân sự.
Giao hảo quân sự
Một trong những mối quan tâm của các nước láng giềng Ấn Độ như Trung Quốc và Pakistan là quan hệ quân sự ngày càng phát triển giữa quốc gia Nam Á này với Mỹ. Trong khi đó Mỹ và Ấn Độ đã tiến hành nhiều cuộc tập trận chung hơn bất cứ nước đối tác quân sự nào của họ. New Delhi cũng đang mua nhiều thiết bị quân sự từ Mỹ, gồm máy bay do thám và vận tải, có trị giá hàng tỷ USD.
Đây là lý do tại sao Tổng thống Obama trong các bài phát biểu của mình luôn nhắc đến vị thế quốc tế ngày càng quan trọng của Ấn Độ và sự cần thiết cho nước này có tầm ảnh hưởng lớn hơn trong vai trò toàn cầu. Ngoài ra, nội dung thảo luận giữa ông với Thủ tướng nước chủ nhà Manmohan Singh không chi bàn đến các vấn đề khu vực như Afghanistan và Pakistan, mà còn nhắc đến cả "Đông Á" có thể bao hàm Trung Quốc.
Theo nhận định của BBC, động thái trên có thể làm hài lòng nhiều người trong chính quyền Ấn Độ, bởi họ luôn có cảm giác Barack Obama đánh giá mối quan hệ với Trung Quốc quan trọng hơn với Ấn Độ.
Nhưng điều New Delhi chờ đợi hơn cả là việc tổng thống Mỹ tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cùng với Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh. Chưa có bất kỳ tổng thống Mỹ nào khác công khai hậu thuẫn tham vọng Liên Hợp Quốc của Ấn Độ một cách rõ ràng như thế. Quan trọng hơn điều này đã được đề cập đến trong bài phát biểu của ông Obama tại quốc hội Ấn Độ, nên càng không thể là "lời nói gió bay".
Tuy nhiên giữa Mỹ và Ấn Độ không phải "tâm đầu ý hợp" trong mọi vấn đề. Hai bên vẫn còn có nhiều khác biệt như vấn đề Pakistan, chính sách của Mỹ tại Afghanistan hay việc thuê nhân công. Nhưng điều này không thể cản trở việc Mỹ và Ấn Độ với vị thế của mình có nhiều lý do hơn để chia sẻ các giá trị. Bản thân Thủ tướng Manmohan Singh cũng trấn an khi nhấn mạnh rằng Ấn Độ "không hề làm việc đánh cắp công ăn việc làm của người Mỹ".
Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu chuyến thăm Ấn Độ hôm chủ nhật và hôm nay ông rời nước này bay tới Indonesia, thực hiện chuyến đi được mong đợi từ lâu tới quốc đảo mà ông có nhiều gắn bó trong những năm tháng tuổi thơ.