Khi đội tuyển gọi… nhầm người

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, HLV Nguyễn Hữu Thắng phải thừa nhận là mình đã sai khi gọi cầu thủ Ngô Hoàng Thịnh lên Đội tuyển quốc gia (ĐTQG).

Vừa mới tập trung, báo chí đã phát hiện cầu thủ này đang bị chấn thương rất nặng. Đây không phải là lần đầu tiên các HLV gọi một "thương binh" lên ĐT.

Gọi nhầm "thương binh"

Hoàng Thịnh là một trong những tiền vệ trung tâm hay nhất hiện nay. Đang có phong độ khá cao cùng FLC Thanh Hóa, nên việc cầu thủ người Nghệ An này được gọi lên ĐTQG là điều hết sức bình thường. Hơn thế nữa, trong những lần HLV Hữu Thắng dự khán, Hoàng Thịnh đều thi đấu rất máu lửa.
Cầu thủ Ngô Hoàng Thịnh (trái) trong một buổi tập.
Cầu thủ Ngô Hoàng Thịnh (trái) trong một buổi tập.
Vậy nhưng, khi lên Tuyển, Hoàng Thịnh không vượt qua kỳ kiểm tra sức khỏe. Cầu thủ này được kết luận là chấn thương đầu gối khá nặng, không thể sớm bình phục. Điều khiến ông Thắng cảm thấy bức xúc là bản thân bị qua mặt bởi Hoàng Thịnh và đội bóng quản lý cầu thủ này. Thậm chí, chính giới truyền thông lại là người cảnh báo ông về tình trạng của Hoàng Thịnh trước khi các bác sĩ đưa ra kết luận cuối cùng. Nếu được biết sớm, có lẽ HLV Hữu Thắng đã không gọi Hoàng Thịnh và dành chỗ cho một cầu thủ khác.

Việc gọi một cầu thủ chấn thương lên Tuyển không có gì xa lạ. Lần tập trung trước, HLV Hữu Thắng cũng gọi một "thương binh" - tiền vệ Lê Tấn Tài. Tuy nhiên, sự việc được phát hiện sớm hơn và HLV Hữu Thắng đã kịp loại cầu thủ này trước khi anh bắt chuyến bay ra Hà Nội. Rồi không ít trường hợp khác cũng lên Tuyển với cái lưng đau, cái đầu gối gặp vấn đề..., và thay vì tập luyện trên thao trường, các cầu thủ này lại phải khiến các bác sĩ của ĐT phải mất thời gian đưa ra phác đồ điều trị.

Buông lỏng công tác y tế

Câu hỏi được nhiều người quan tâm là tại sao lại có những sự nhầm lẫn như trường hợp của tiền vệ Hoàng Thịnh? Tại sao không có những lời cảnh báo nào được đưa ra từ các bác sĩ của ĐT hay những HLV đang trực tiếp quản lý cầu thủ?

Tìm hiểu thì được biết, tại FLC Thanh Hóa, Hoàng Thịnh vẫn thi đấu bình thường. Thông tin này cho thấy một điều, hoặc là đội ngũ y tế không đủ điều kiện để phát hiện ra tình trạng thể lực của cầu thủ, hoặc là họ đã bị giấu. Cầu thủ thì luôn muốn được thi đấu bởi số lần ra sân của họ quyết định mức thu nhập hàng tháng. Ai ra sân càng nhiều thì tiền lương, tiền thưởng càng cao. Cũng vì điều này mà nhiều cầu thủ không muốn phải dành thời gian chữa trị chấn thương và họ thường có xu hướng là che giấu tình trạng sức khỏe.

Cầu thủ thì luôn lo cho quyền lợi của mình. Thậm chí, sự lo lắng ấy có thể dẫn đến việc có những hành động tiêu cực đối với chính bản thân họ. Nhưng, trong bối cảnh ấy, lực lượng y tế phải đủ mạnh để sàng lọc, phát hiện và đưa ra hướng chữa trị chấn thương. Bởi lẽ, sức khỏe của cầu thủ quyết định đến sự thành bại của đội bóng. Nhưng có một điều, lâu nay, đội ngũ y tế ở cơ sở thường chưa đạt được yêu cầu. Họ chỉ mới làm được những việc đơn giản là băng bó, khâu, xịt hoặc tiêm thuốc giảm đau cho cầu thủ, chứ chưa làm được những công đoạn phức tạp là chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị. Và thế là những ca chấn thương ở CLB ngày càng nhiều. Đã có không ít cầu thủ phải chia tay sân cỏ vì không được phát hiện và chữa trị dứt điểm chấn thương.