Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi học sinh giỏi chê ngành sư phạm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngành sư phạm không phải là sự lựa chọn đầu tiên, cho nên nhiều sinh viên và giáo viên cho biết, họ không yêu nghề và không say nghề.

 
 
Bài 2: Đắng lòng nơi ươm mầm giáo viên
 

Chọn, nhưng không yêu

"Khi thấy bạn học cùng lớp làm hồ sơ đăng ký dự thi vào ngành sư phạm, em cũng đăng ký theo. Khi vào học và sắp tốt nghiệp ra trường, em càng không muốn làm giáo viên vì em không có sự đam mê, nhiệt huyết với nghề này. Nếu được lựa chọn lại, em sẽ chọn ngành Tâm lý học phù hợp với tính cách của em" - N.M.H cựu SV SP trường ĐH Ngoại ngữ hối hận.

T.T - cựu SV khoa Lịch sử của trường ĐH Sư phạm Hà Nội, hiện đang dạy ở Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Lục Bình (tỉnh Lạng Sơn) thật thà chia sẻ: Trước đây, em không thích nghề giáo. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà có 4 chị em, nên em và chị gái chọn ngành SP để bố mẹ không phải mất tiền học phí. M.H và T.T không phải là trường hợp hiếm hoi lựa chọn ngành SP mà không có sự đam mê.
 
 
Khi học sinh giỏi chê ngành sư phạm - Ảnh 1
 
Thu nhập thấp, áp lực cao, tìm việc khó khăn khiến ngành sư phạm ngày càng thu hút được ít học sinh giỏi dự thi.   Ảnh: Thanh Hải
 

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hội Giáo dục cho mọi người Việt Nam: Điểm đầu vào thấp lại không yêu nghề, tất yếu quá trình học tập của các em sẽ không tốt. Các em không thể tiếp thu kiến thức, óc sáng tạo bị hạn chế và không thể vượt qua những khó khăn. Tốt nghiệp ra trường các em không đảm bảo chuẩn đầu ra, khi đi dạy không đáp ứng được các yêu cầu, chức năng của người giáo viên và không hấp dẫn học sinh.

"Mặc dù chưa có cuộc điều tra nào, nhưng nhận xét mang tính cảm tính chung đó là số người vào ngành SP vì say mê nghề này là rất ít. Số học sinh giỏi thi vào ngành SP cũng rất ít. Vì vậy, người ta đã đúc kết: "Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm" - PGS Vũ Trọng Rỹ, Viện Khoa học Giáo dục nhận xét.

 Chọn ngành không xuất phát từ sự yêu nghề cho nên chất lượng đào tạo SV SP đang ở mức báo động. Có nhiều năm làm công tác quản lý và có kinh nghiệm trong đào tạo, GS Đinh Quang Báo (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng: Nếu có đầu vào tốt thì đầu ra tốt. Nếu đầu vào là SV kém năng lực, không yêu nghề thì sẽ khó có cách gì để đầu ra có được giáo viên giỏi.

Nguy hiểm hơn, hiện tại, kể cả những em có học lực khá cũng không có động lực học. Các em coi việc học là điểm dừng chân, vì không biết tương lai có làm nghề này không. Xin được làm giáo viên cũng phải mất nhiều, thậm chí rất nhiều tiền.

Bởi vậy, SV SP hổng và sai kiến thức rất nhiều. SV năm thứ 4 đi thực tập mắc rất nhiều sai sót về kiến thức cơ bản, chứ chưa nói đến kỹ năng nghề nghiệp.

Giáo viên chỉ là thợ dạy

Một chuyên gia nghiên cứu về giáo dục phổ thông nhận định: Thí sinh có điểm sàn thấp và không yêu nghề sẽ không thể làm được giáo viên. Họ có thể làm được giáo viên theo nghĩa họ lên lớp dạy, nhưng với tiêu chí của người giáo viên trong nhà trường mới thì không thể đáp ứng được.

Kết quả khảo sát đánh giá giáo viên trung học mới tốt nghiệp ĐH trong 5 năm đầu tác nghiệp theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học của Viện Khoa học Giáo dục đã chứng minh đánh giá trên.

Giáo viên trẻ chỉ đáp ứng được ở mức thấp đối với các yêu cầu về năng lực tìm hiểu đối tượng giáo dục, thực hiện kế hoạch giáo dục, phối hợp với gia đình và cộng đồng, năng lực phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề.

Có hơn 30 năm làm công tác quản lý giáo dục, cô Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thành Công B, quận Ba Đình nhận định: SV tốt nghiệp ngành SP có ưu điểm là năng động, tự tin, trình độ tin học và tiếng Anh tốt hơn. Tuy nhiên, họ lại ít tâm huyết với nghề, thiếu niềm đam mê vì đầu óc còn phải nghĩ đến đi làm thêm công việc khác để đảm bảo đời sống.

Còn theo nhiều chuyên gia giáo dục, chất lượng giáo viên không đạt chuẩn cũng bởi nội dung đào tạo của các trường sư phạm đang rất mờ nhạt, thời gian đi thực tập của SV quá ít. Mặc dù công tác bồi dưỡng cho giáo viên đã được các trường thực hiện, nhưng lại không chu đáo nên hiệu quả rất thấp. Do vậy, nhiều phụ huynh sẵn sàng bỏ tiền ra để "chạy" cho con vào trường này, lớp kia đạt chuẩn thay vì học tại ngôi trường đúng tuyến tại địa bàn họ sinh sống.

Đội ngũ những cỗ máy cái của nền giáo dục nước nhà không phát triển đã làm cho vị thế người thầy bị giảm đi rất nhiều. Nếu như trước đây, có nhiều thầy giáo, cô giáo trở thành tấm gương khích lệ học trò, truyền cho họ ngọn lửa đam mê ngành SP, thì nay những con người như thế ngày càng ít.

Trong khi đó, những biểu hiện phản cảm về cái nghề được coi là cao quý này lại xuất hiện ngày càng nhiều. Điều này khiến những người làm nghề và cả xã hội cần phải suy nghĩ.

Bài 3: Giáo viên không chỉ cần một mức lương đặc biệt

 
Kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam về chất lượng SV SP thể hiện qua hoạt động thực hành, thực tập ở các trường phổ thông cho thấy: SV các khoa cơ bản như Văn, Toán, Sử, Địa yếu kém trong một số kỹ năng nghề cơ bản. Những kỹ năng giáo dục học sinh cá biệt, phối hợp với cha mẹ học sinh và cộng đồng, giải quyết các tình huống sư phạm, lập kế hoạch giáo dục, tìm hiểu đặc điểm của học sinh...