Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khí sinh học tạo cơ hội để giảm thiểu phát thải

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam có nhiều tiềm năng sử dụng khí sinh học nhưng vẫn còn thiếu chính sách hỗ trợ, gặp nhiều rào cản công nghệ để phát triển nguồn khí sinh học ở quy mô vừa và lớn.

Hội thảo quốc tế “Phát triển khí sinh học Việt Nam góp phần thực hiện COP26 - tiềm năng và thách thức” được tổ chức trong ngày 18 - 19/10/2022.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã có những gợi mở về các công nghệ khí sinh học quy mô vừa và lớn trên thế giới và Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế trong sử dụng khí sinh học phát nhiệt và điện, đồng thời, thảo luận để xác định các rào cản và cơ hội, đưa ra khuyến nghị giải pháp thúc đẩy phát triển khí sinh học quy mô vừa và lớn.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Khắc Kiên
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Khắc Kiên

Khó cho mọi ngành

Giám đốc Dự án BEM Nathan Moore cho biết, bằng việc phát triển khí sinh học để phát điện, Việt Nam sẽ giảm phát thải khí mê-tan và CO2, bổ sung nguồn điện sạch cho lưới điện. Hội thảo góp phần hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết COP26 và giúp quốc gia phát triển tương lai năng lượng xanh bền vững.

Theo nghiên cứu ngành hẹp, để tận dụng năng lượng sinh học dùng cho phát điện và phát nhiệt do Dự án BEM của tổ chức GIZ tiến hành vào năm 2021, tiềm năng khí sinh học ở Việt Nam có thể đạt khoảng 1.400MW vào năm 2035.

Các nguồn nguyên liệu có công suất khí sinh học cao nhất gồm: Trang trại chăn nuôi lợn, ngành công nghiệp chế biến tinh bột sắn và rác thải hữu cơ.  

Tuy nhiên, điện sản xuất từ khí sinh học vẫn gặp khó khăn trong việc tối đa hóa dòng vốn đầu tư do thiếu cơ chế hỗ trợ cho các nhà máy điện khí sinh học nối lưới, chi phí bảo trì hệ thống cao và nguồn nhân lực không đủ.

Dự thảo điện khí của T&T Group. Ảnh: Khắc Kiên
Dự thảo điện khí của T&T Group. Ảnh: Khắc Kiên

Thực tế cho thấy, có hàng nghìn hệ thống khí sinh học được lắp đặt quy mô hộ gia đình sử dụng cho mục đích đun nấu, một số hệ thống máy phát điện từ khí sinh học được lắp đặt phân tán ở các trang trại chăn nuôi thay thế cho máy phát chạy bằng dầu diesel, tỉ lệ phát điện lên lưới từ nguồn khí sinh học là không đáng kể và giải pháp lưu trữ khí sinh học cho mục đích cân bằng lưới điện vẫn chưa được quan tâm.  

Dưới góc độ của mình, TS. Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), chất thải phát sinh trên địa bàn nông thôn phải được quản lý theo quy định của pháp luật; chất thải sinh hoạt hữu cơ, chất thải từ chăn nuôi, chế biến và phụ phẩm nông nghiệp phải được thu hồi, tái sử dụng hoặc làm nguyên liệu sản xuất.

Đề xuất kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi, ông Tống Xuân Chinh nhận định, chăn nuôi tuần hoàn là một quá trình sản xuất mà ở đó chất thải, phụ phẩm được xử lý bằng các cách khác nhau thành những nguyên liệu đầu vào cho một quá trình sản xuất khác tạo ra sản phẩm hữu ích, theo vòng tuần hoàn kín hoặc bán tuần hoàn để gia tăng giá trị sản phẩm chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường.

Diễn giả chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên
Diễn giả chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên

Tuy nhiên, chi phí xử lý chất thải chăn nuôi phải là một chi phí sản xuất bắt buộc của các cơ sở chăn nuôi, hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững theo chuỗi giá trị để bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Chất thải chăn nuôi được coi là nguồn nguyên liệu đầu vào của nhiều chu trình sinh học khác, trong đó, sản xuất phân bón hữu cơ, chăn nuôi côn trùng và nuôi trồng thủy sản hướng tới nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn là các ưu tiên trong những thập kỷ tới” - vị này nói.

Do đó, xử lý chất thải chăn nuôi phải phù hợp với quy mô, điều kiện đầu tư, công nghệ áp dụng và mục đích sử dụng sản phẩm để kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong chăn nuôi.

Nâng cao năng lực quản lý, xử lý chất thải chăn nuôi bảo vệ môi trường và sử dụng có hiệu quả nguồn chất thải chăn nuôi cho các mục đích khác nhau và giảm phát thải khí nhà kính. Phát triển mô hình chăn nuôi kinh tế tuần hoàn.

Chung tay vào cuộc

Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn (Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ TN&MT) Lương Quang Huy trích dẫn phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26 để minh chứng, “…Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó, có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”.

Vào năm 2020, Việt Nam cam kết đến năm 2030 cắt giảm 9% phát thải khí nhà kính và sẽ đạt 27% với hỗ trợ quốc tế. Cam kết này sẽ cần được cập nhật vào năm 2022 để phù hợp với tham vọng đạt phát thải ròng bằng ”0” vào năm 2050.

Sản xuất điện bằng than - nguyên nhân lớn nhất khiến nhiệt độ toàn cầu tăng lên. Do đó, chuyển dịch khỏi than vào những năm 2030 - 2040 (hoặc càng sớm càng tốt sau đó) là đòi hỏi tất yếu.

Hiện, 131 quốc gia, bao gồm Việt Nam cần nâng cao thích ứng và phòng, chống chịu với biến đổi khí hậu, cần hành động để ứng phó với tác động của khí hậu, hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương do biến đổi với việc tăng cường năng lực để chuẩn bị và ứng phó với thiên tai, nỗ lực tăng cường an ninh lương thực và nước, tạo nên tương lai bền vững, đặt rủi ro khí hậu vào trung tâm của việc đưa ra quyết định.

Đồng thời, cần chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.

Một mô hình xanh của doanh nghiệp. Ảnh: Khắc Kiên
Một mô hình xanh của doanh nghiệp. Ảnh: Khắc Kiên

Đến năm 2030, xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan, giảm 30% mức phát thải khí mê-tan so với năm 2020.

Ngoài ra, xây dựng tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các cơ sở phát thải; Thực hiện kiểm kê khí nhà kính từ năm 2026. Các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp thực hiện những biện pháp giảm phát thải khí nhà kính.

Đến năm 2050, xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan, giảm 40% mức phát thải khí mê-tan so với năm 2030. Thực hiện kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính đối với các cơ sở phát thải hàng năm từ 2.000 tấn CO2 tương đương (CO2tđ) trở lên từ năm 2030; 500 tấn CO2tđ trở lên từ năm 2040; 200 tấn CO2tđ trở lên từ năm 2050. Mọi cơ sở thuộc khu vực công phải thực hiện kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính; Thực hiện giảm phát thải khí nhà kính trong các hoạt động hàng ngày trở thành vấn đề đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của các tổ chức, doanh nghiệp.

Các chuyên gia cho rằng, giảm phát thải trong lĩnh vực năng lượng là mấu chốt. Về cung cấp năng lượng, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tiếp tục phát triển các nhà máy thủy điện nhỏ có chọn lọc, đạt tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường; chuyển đổi dần điện than sang các nguồn năng lượng sạch hơn; phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng gồm: pin tích năng, thủy điện tích năng, trữ nhiệt… và lưới điện thông minh, bảo đảm độ ổn định và tích hợp năng lượng tái tạo trong hệ thống điện với tỷ lệ cao.

 

Tại hội thảo, các thí sinh có thành tích cao nhất trong cuộc thi "Sáng kiến nghiên cứu khoa học - giải pháp khí sinh học" đã được nhận giải thưởng. Cuộc thi do Dự án BEM thuộc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ và Khoa Điện, trường Điện - Điện tử, Đại học Bách Khoa Hà Nội đồng tổ chức, nhằm tạo diễn đàn cho sinh viên và học sinh trên cả nước chia sẻ các sáng kiến sử dụng khí sinh học.