Hơn cả con số, câu chuyện kinh doanh của gã khổng lồ công nghệ nước Mỹ chứng minh, lợi nhuận tăng vọt giữa đại dịch không đơn thuần chỉ là cú “vớ bẫm”.
Trước khi số liệu chính thức được công bố vào ngày 30/4 tới, đã có phân tích dự đoán Tập đoàn Amazon có thể ghi nhận doanh thu quý I năm nay lên tới 73 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đồng nghĩa với việc hãng có thêm doanh thu 10.000 USD mỗi giây, bất kể ngày hay đêm.
Nhờ đó, trong khi nhiều DN lao đao vì Covid-19, giá cổ phiếu của Amazon lại đạt đỉnh. CEO Amazon và cũng là người giàu nhất thế giới, Jeff Bezos, là một trong những tỷ phú hiếm hoi vẫn tăng trưởng giá trị tài sản trong những tháng đầu năm nay.
Từ rau củ đến thiết bị khử trùng, những chuyến hàng của Amazon đã trở thành nguồn sống với nhiều người trong mùa cách ly vì dịch Covid-19. Amazon cũng "góp công" trong việc giữ chân mọi người ở nhà bằng các kho sách điện tử hay chương trình truyền hình phong phú.
Theo Jose Brown - CEO Ritholtz Wealth Management, Amazon đã trở thành một dịch vụ thiết yếu trong đại dịch, trong khi các nhà phân tích tại Ngân hàng đầu tư Cowen so sánh ảnh hưởng của lệnh cách ly xã hội không khác gì những sự kiện mua sắm lớn đối với Amazon.
Hy vọng của nước Mỹ giữa khủng hoảng
Không chỉ nắm trong tay một lượng lớn các mặt hàng thiết yếu mà người Mỹ đang cần trên nền tảng của mình, từ giấy vệ sinh, nước sát khuẩn, đồ bảo hộ y tế, nhiệt kế điện tử, đến nhu yếu phẩm, Amazon còn sở hữu một trong những hệ thống giao hàng siêu nhanh nổi tiếng là Prime Now.
Giờ đây, việc vận chuyển các mặt hàng thiết yếu đến tay nhiều khách hàng quan trọng lúc này - bao gồm những bệnh viện, các cơ sở y tế trên khắp nước Mỹ - còn được đẩy nhanh hơn nữa, khi công ty đã ưu tiên chỉ nhập kho các sản phẩm thiết yếu, ít nhất là cho đến đầu tháng 4 này.
Nhưng thương mại điện tử không phải là điều duy nhất mà mọi người cần từ Amazon. Dịch vụ nền tảng đám mây, Amazon Web Services (AWS) - chiếm 63% tổng doanh thu của Amazon trong năm 2019, cũng đang chứng kiến nhu cầu gia tăng đột biến khi mọi người đổ xô đến các đối tác bán hàng của công ty, như Zoom hay Netflix, cho nhu cầu làm việc tại nhà và giải trí.
Khi người Mỹ cần “giết thời gian” cách ly nhiều hơn, hệ thống audiobook của Amazon - Audible - cho phép người dùng truy cập miễn phí vào hàng trăm cuốn sách, ghi nhận hàng triệu lượt truy cập hồi giữa tháng 3 vừa qua. Trong khi hàng loạt giải đấu thể thao trên toàn cầu phải hủy bỏ để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, những giải đấu e-sport được phát trực tiếp trên nền tảng Twitch của Amazon thu hút lượng người xem cao đến mức công ty phải giảm chất lượng hình ảnh tại châu Âu để đáp ứng nhu cầu của mọi người.
Và giữa lúc đa số công ty khác đang phải đau đầu về câu hỏi cắt giảm nhân sự hay giảm lương, Amazon cho biết họ vừa mới hoàn thành việc tuyển dụng bổ sung 100.000 nhân sự mới, và sắp sửa tuyển thêm 75.000 người nữa, nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng đột ngột.
Trang chủ của Amazon đã đăng tải một thông điệp trấn an làn sóng người thất nghiệp vì dịch Covid-19: “Chúng tôi chào đón tất cả mọi người về với đội của mình cho đến khi mọi thứ trở lại bình thường, và sau đó các bạn hoàn toàn có thể quay lại công việc cũ mà không có bất cứ sự cản trở nào từ chúng tôi”.
Amazon cũng đã hợp tác với Quỹ Gates để giúp giao những bộ xét nghiệm miễn phí trong phạm vi các TP tại Mỹ, giúp người dân thực hiện hàng nghìn xét nghiệm mỗi ngày tại nhà, tránh phải đến bác sĩ và lây nhiễm cho người khác.
Theo CNN, kể từ khi đại dịch bắt đầu, CEO Amazon là một trong những người mà Nhà Trắng thường xuyên liên lạc. Rõ ràng với việc Amazon đang phần nào làm dịu tình hình khủng hoảng của nước Mỹ, Tổng thống Donald Trump chắc chắn cần đến tỷ phú Jeff Bezos hơn bao giờ hết.
Nền tảng tạo khác biệt
Amazon không phải công ty duy nhất hưởng lợi từ bối cảnh đại dịch này. Số liệu của Bank of American mới đây cho thấy, cuộc khủng hoảng hiện nay tạo đòn bẩy cho toàn ngành thương mại điện tử, chứng kiến tăng trưởng đến 16% trong tháng 3 vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, Amazon được cho đang bật lên mạnh mẽ hơn bất cứ đối thủ cạnh tranh nào khác, và dù chi phí quản lý bị đội lên, công ty của người giàu nhất thế giới Jeff Bezos vẫn có thể hưởng lợi 4 tỷ USD doanh thu trong năm 2020.
Mặc dù cuộc khủng hoảng này giống như được “sinh ra” cho các thế mạnh của Amazon bung nở, nhưng chính tầm nhìn dài hạn về xu hướng tiêu dùng trực tuyến của mọi người trên toàn cầu mới là điều giúp Amazon trở thành người hưởng lợi nhiều nhất.
Công ty đã đầu tư rất nhiều vào chuỗi cửa hàng Whole Food và dịch vụ giao hàng tạp hóa riêng biệt Amazon Fresh trong những năm qua, giúp hai mảng kinh doanh này đang dễ dàng hưởng lợi từ việc người tiêu dùng tránh lui tới các khu mua sắm đông đúc. Ngay trước cả đại dịch, ứng dụng Twitch đã luôn nằm trong số 10 dịch vụ truyền phát video phổ biến nhất.
Nhận định sớm và quyết tâm theo đuổi giúp Amazon xây dựng nên một đế chế kinh doanh online, nghĩa là không chỉ đáp ứng được mọi nhu cầu của người dùng từ xa, mà còn tạo nên một tập khách hàng khổng lồ.
Từ tập người dùng này, Amazon có trong tay lượng dữ liệu vô biên về nhu cầu và tâm lý khách hàng, biến công ty trở thành cỗ máy bán lẻ hiệu quả nhất thế giới nhờ việc đáp ứng chính xác cái người dùng mong muốn. Các phản hồi từ khách hàng được ghi nhận cũng khiến Amazon trở nên hiệu quả và hấp dẫn hơn, tạo nên một vòng lặp tích tụ không phải DN nào cũng có được.
“Khủng hoảng đã củng cố sức mạnh của Amazon. So với các công ty nhỏ và hoạt động kém hiệu quả hơn, Amazon có đủ quy mô, nguồn vốn, nhân lực và kết nối với các nhà cung cấp lớn”, Luật sư chống độc quyền Kevin Arquit thuộc hãng Kasowitz Benson Torres nhận định, “Amazon rõ ràng là công ty hưởng lợi lớn nhất từ đại dịch”.
Đương đầu thách thức
Tuy nhiên, việc buôn may bán đắt trong đại dịch không phải “đường trải đầy hoa” với Amazon. Chẳng hạn, nạn đầu cơ tăng giá, hàng giả, kém chất lượng tăng mạnh đối với các mặt hàng y tế thiết yếu trên nền tảng của Amazon ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát tại Trung Quốc. Công ty này đã rà soát liên tục để gỡ bỏ hơn 530.000 sản phẩm và cấm vĩnh viễn hàng trăm tài khoản.
Trong khi đó, dịch bệnh cũng đã làm thay đổi toàn bộ chuỗi cung ứng, khi rất nhiều mặt hàng được nhập về từ Trung Quốc. Nói về vấn đề này, cựu Giám đốc dịch vụ kinh doanh Amazon, James Thomson cho biết: “Hơn 300.000 người bán gia nhập mỗi năm, quá nửa đến từ Trung Quốc, nghĩa là có rất nhiều thứ cần phải theo dõi”.
Việc tuyển dụng bổ sung để đảm bảo tốc độ giao hàng mùa dịch kéo theo những áp lực trong đảm bảo môi trường làm việc an toàn, tránh lây nhiễm. Hiện tại, đã có nhiều lời than phiền từ người lao động trong các kho hàng của Amazon về quy trình kiểm tra thân nhiệt, thiếu thốn đồ sát trùng và phải làm việc gần nhau dù Amazon đã đề ra những quy định về giãn cách. Hơn một chục cơ sở hoạt động của công ty đều đã có người nhiễm virus.
Trong thư gửi cổ đông mới đây, CEO Jeff Bezos - người đã quyên góp 100 triệu USD cho ngân hàng thực phẩm từ thiện Feeding America - nói rằng Amazon đang tập hợp một đội ngũ, bao gồm nhà khoa học và các kĩ sư phần mềm để phát triển năng lực xét nghiệm virus nội bộ. Tập đoàn hướng tới phát triển phòng thí nghiệm của riêng mình trong thời gian tới, đồng thời thực hiện xét nghiệm thường xuyên cho toàn bộ nhân sự của mình, để nhân viên có thể yên tâm làm việc.
"Khủng hoảng đã củng cố sức mạnh của Amazon. So với các công ty nhỏ và hoạt động kém hiệu quả hơn, Amazon có đủ quy mô, nguồn vốn, nhân lực và kết nối với các nhà cung cấp lớn. Amazon rõ ràng là công ty hưởng lợi lớn nhất từ đại dịch" - Luật sư chống độc quyền Kevin Arquit thuộc hãng Kasowitz Benson Torres |