- Theo dự kiến, chúng tôi sẽ vượt chỉ tiêu TP giao. Tính đến đầu tháng 10 đã có 17 trường được kiểm tra thẩm định công nhận CQG, đạt 21,25% (mầm non 6 trường, TH 4 trường, THCS 2 trường, THPT 5 trường). Riêng trong tháng 10, đã có 48 trường được công nhận, tháng 11 dự kiến 38 trường và tháng 12 là 22 trường được công nhận. Tổng số trường các quận, huyện đề nghị công nhận là 108, vượt kế hoạch TP giao 28 trường.Ngoài mục tiêu xây dựng trường đạt CQG mới, việc công nhận các trường đã đạt CQG có gặp trở ngại gì?- Năm 2017, kế hoạch của Sở GD&ĐT sẽ công nhận lại 182 trường, tuy nhiên, một số quận, huyện rà soát đề nghị bổ sung thêm 23 trường. Tổng 205 trường, trong đó đã có 24 trường đã có quyết định công nhận lại. Việc công nhận lại, trên thực tế, khó khăn đối với trường nội thành, chủ yếu vướng về diện tích đất, cụ thể như quận Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Ba Đình... không thể mở rộng được diện tích trường. Hiện, các quận đang xin TP có cơ chế để nâng cấp số tầng, trong đó tầng cao sẽ dành khu hiệu bộ, phòng hội đồng, giáo viên. Các trường ưu tiên tầng thấp làm phòng học nhằm đảm bảo an toàn cho các em học sinh (HS). Hiện nay, quận Cầu Giấy đang thực hiện theo hướng này.Không chỉ nội thành, mà một số huyện cũng có tình trạng “vướng” về diện tích. Các trường ngoại thành có được phép nâng số tầng để mở rộng diện tích?- Những trường vướng về diện tích đất, trong rà soát quy hoạch mạng lưới sắp tới, các huyện sẽ bổ sung điều sang xây dựng ở vị trí mới. Việc nâng tầng chỉ giải quyết những quận đặc thù, quận lõi không có đất. Bên cạnh đó, việc nâng tầng vượt quy định của Bộ GD&ĐT cũng phải đảm bảo tính an toàn cho giáo viên, HS trong các hoạt động. Do vậy, hướng giải quyết này sẽ xét riêng từng trường hợp chứ không làm đại trà chung. Khu vực ngoại thành vẫn có điều kiện bố trí đất thì phải xem xét phương án xây thêm trường hoặc chuyển sang địa điểm mới để đảm bảo diện tích mét vuông trên đầu HS. Quan điểm của ngành là trường học ngoại thành thiếu đất thì không nâng tầng vượt quy định. Việc nâng tầng ở trường ngoại thành sẽ phải xem xét cụ thể và phải đủ các sở, ngành thẩm định (Sở GD&ĐT, KH&ĐT, Tài chính) mới được phép thực hiện.Với những huyện đặc thù, khó khăn, TP có cơ chế hỗ trợ để xây dựng trường CQG đạt mục tiêu đề ra? Liệu các trường có được phép kêu gọi xã hội hóa (XHH) xây dựng cơ sở vật chất?- Hiện, Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn tiếp tục đề xuất TP hỗ trợ kinh phí cho các huyện đặc thù. Năm học 2016 - 2017, TP đã đầu tư kinh phí xây dựng 42 trường ở 13 huyện khó khăn không cân đối được ngân sách. Còn các đơn vị khác cân đối được ngân sách thì phải chủ động. Việc XHH là chủ trương, không ai cấm các đơn vị làm, tuy nhiên phải phù hợp với sức dân khu vực đó. Hơn nữa, phải thực hiện đúng quy trình 4 bước và đảm bảo tính đồng thuận, không cào bằng. Đặc biệt, XHH chỉ được thực hiện và chấp thuận ở một số hạng mục (thiết bị đột xuất phục vụ HS, bảo quản, bảo dưỡng...), còn xây dựng cơ bản là ngân sách quận, huyện đầu tư. XHH xây trường ngoài công lập lại là vấn đề khác, TP vẫn dành quỹ đất để thực hiện kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng trường học.Được biết, trong số 205 trường sẽ tái công nhận CQG trong năm nay, không ít trường nhiều năm liền “nợ tiêu chí”, Sở GD&ĐT có chỉ đạo gì về việc này?- Thời điểm này, các quận, huyện đang đầu tư cơ sở vật chất và sẽ thông báo về Sở GD&ĐT, sau đó chúng tôi sẽ thẩm định lại. Trong quá trình rà soát, Sở tiếp tục kiến nghị TP hỗ trợ các quận, huyện khó khăn. Trường tái chuẩn không đạt sẽ cắt. Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý các trường đã có dự án, kế hoạch cụ thể và sẽ xét thực tế. Trong trường hợp không nâng cấp được cơ sở vật chất hoặc diện tích quá hẹp mà trường không thể bố trí được thì sẽ thôi không công nhận chuẩn. Theo cam kết thực hiện của các huyện, Sở về kiểm tra lại... Chúng tôi sẽ quyết liệt thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, trường nào không đạt sẽ không công nhận lại. Và, chỉ đầu tư tập trung xây trường mới, sẽ không có khái niệm “nợ chuẩn”. Xin cảm ơn ông!