Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi VFF cũng bị rút ruột

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện rút ruột tài năng trong bóng đá giờ không còn là chuyện riêng của các đội bóng nhà nghèo. Nó phản ánh quy luật cung cầu của bóng đá chuyên nghiệp mà bất cứ ai cũng phải tuân theo.

Năm trước, khi chưa ngồi ấm ghế tại VFF với vai trò Trưởng phòng ĐTQG, ông Mai Đức Chung đã xin được ra đi. Điểm đến của nhà cầm quân này là Bình Dương, đội bóng sẵn sàng trả số tiền lót tay cả tỷ đồng cùng mức lương 100 triệu đồng/tháng. So đi tính lại, chế độ ở cơ sở "ấm" hơn rất nhiều mức lương 15 triệu đồng/tháng mà ông Chung nhận được từ VFF. Khi người lao động đề nghị được chấm dứt hợp đồng, không còn cách nào khác, VFF phải chấp thuận.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Vài tháng sau khi HLV Mai Đức Chung ra đi, đến lượt chuyên viên Phạm Như Thuần nghe theo tiếng gọi của V.League. Lần này, VFF đồng ý cho ông Như Thuần đi biệt phái với hy vọng sau vài tháng mọi việc sẽ trở về như cũ. Nhưng, sau thời gian cộng tác với Than Quảng Ninh, HLV Như Thuần cũng nộp đơn xin nghỉ việc. Để lấp vào khoảng trống đó, VFF đã mời trợ lý của Miura, HLV Trần Công Minh một người chưa khẳng định được thương hiệu ở V.League về làm việc ở phòng ĐTQG. Ấy vậy mà, chỉ chưa đầy một tháng, HLV Công Minh lại xin nghỉ khi nhận được lời mời quá hấp dẫn từ đội bóng hạng Nhất Cà Mau. Thêm một lần nữa, VFF phải lao vào công cuộc tìm người mà chẳng thể dám chắc sẽ không tiếp tục bị các đội bóng "rút ruột" cán bộ.

Có một thời, các chuyên gia giỏi phải tìm đủ mọi cách để có chân trong ngôi nhà VFF. Nhưng giờ thì khác, cuộc cách mạng về lương thưởng ở bóng đá Việt Nam khiến cơ chế lương của VFF trở nên lỗi thời. Dù có đột phá về lương thưởng thì với những rào cản về hành chính cũng như nền tảng tài chính không được dồi dào, VFF không thể trả mức lương cả trăm triệu đồng cho các chuyên viên. Họ đành phải chấp nhận thực tế là một vài nhà cầm quân sau khi lên đội tuyển, khẳng định được thương hiệu sẽ tìm cách rẽ ngang đến với các đội bóng chuyên nghiệp để cải thiện đời sống.

Có ý kiến chỉ trích VFF không biết cách tìm kiếm và giữ chân nhân tài. Chỉ trích thì dễ, nhưng phải hiểu cơ chế hiện tại rất khó để VFF “đua tiền” với các đội bóng đại gia. Trong khi các ông bầu sẵn sàng chi cả tỷ đồng cho một HLV nội thì VFF phải băn khoăn với câu hỏi, làm sao để thuê HLV ngoại với chi phí thấp nhất. Còn với các HLV nội làm việc ở các phòng ban chức năng, có cố lắm VFF cũng chỉ đưa ra được một mức lương chấp nhận được chứ không thể đáp ứng với đòi hỏi ngày càng cao của người lao động.

Việc cần làm ở VFF là phải thích ứng cuộc chơi. Họ không thể tạo ra những rào cản về hành chính để giữ người mà phải có những đột phá về chính sách nhằm có chiến lược sử dụng nhân sự linh hoạt. VFF cần phải tận dụng khả năng chuyên môn từ Hội đồng HLV, các nhà cầm quân từ các đội bóng chuyên nghiệp để dẫn dắt các đội tuyển trong chu kỳ ngắn hạn. Bên cạnh đó, tổ chức này cũng phải tạo ra sự đột phá về nguồn thu nếu không muốn ngày một lạc hậu và kém sức cạnh tranh với chính các đội bóng do mình quản lý. Bởi, khi đã bước vào thế giới bóng đá chuyên nghiệp, chẳng có ranh giới nào ngăn cách VFF và các CLB trong chính sách sử dụng người lao động.