Thông qua buổi làm việc này, VFF dường như đang tìm kiếm sự thay đổi trong cách nhận thức về cuộc chiến chống tiêu cực trong bóng đá. Họ sẽ chơi tất tay, theo đuổi đến tận cùng sự việc chứ không mong vào sự tự thức tỉnh của nền bóng đá.
VFF vào cuộc
Một ngày sau khi nhận được quyết định cấm thi đấu tạm thời 9 cầu thủ của Ninh Bình vốn đã dính chàm tại AFC Cup 2014, VFF đã chính thức bày tỏ quan điểm của mình. Người đứng đầu VFF - ông Lê Hùng Dũng tuyên bố: "Chúng tôi muốn cấm thi đấu vĩnh viễn những cầu thủ này. Những ai dính dáng đến tiêu cực sẽ bị loại khỏi đời sống bóng đá. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đưa ra quy định treo giò ngay lập tức những cầu thủ bị phát hiện bán độ. Tuy nặng tay nhưng đây là liều thuốc cần thiết để chúng ta xây dựng nền bóng đá phát triển".
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng trả lời các câu hỏi của báo chí về vấn đề chống tiêu cực trong báo chí.
|
Quan điểm này thực sự là một điều đột phá trong cách tiếp cận vấn đề của VFF. Bởi lẽ, trước đây, nền bóng đá từng đối diện với những sự việc hết sức nghiêm trọng nhưng cách xử lý còn mang tính hình thức, giơ cao đánh khẽ. Thậm chí, người ta còn đưa ra quan điểm, chỉ xử những cầu thủ cầm đầu, hoặc xử điểm chứ không mở rộng vụ việc vì nó có thể làm ảnh hưởng đến nhiều người. Với những cầu thủ đã bị phát hiện tiêu cực, nhận án phạt từ tòa án nhưng chỉ bị cấm thi đấu vài năm. Người cao nhất bị treo giò 5 năm, nhưng trớ trêu ở chỗ, chỉ hơn một năm sau, nhờ có sự bảo lãnh từ lãnh đạo, người ta lại tuyên giảm án. Và cứ như thế, tiêu cực trong bóng đá ngày một nở rộ, bởi người ta tin rằng, có những giới hạn mà VFF sẽ không vượt qua. Ngay cả khi bị đưa ra ánh sáng thì sự nghiệp bóng đá cũng không bị tổn hại là mấy nếu biết "đi đúng đường".
Chống tiêu cực thường xuyên
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Cục C45, VFF đã nhận được sự đảm bảo rằng, cuộc chiến chống tiêu cực trong bóng đá sẽ diễn ra liên tục, thường xuyên chứ không theo từng giai đoạn, từng vụ việc. Bằng sự quyết tâm, nghiệp vụ của mình, C45 sẽ song hành với VFF trong việc làm sạch nền bóng đá. Bên cạnh đó, lãnh đạo VFF cũng cam kết rằng, họ sẽ không đưa ra bất cứ vùng cấm nào khi cơ quan điều tra phát hiện có tiêu cực.
Trước đây, VFF từng rất thành công trong cuộc chiến tiêu cực tại SEA Games 23 - 2005. Việc đưa ra ánh sáng hàng loạt vụ việc đã giúp nền bóng đá có được giai đoạn phát triển rất hưng thịnh. Đỉnh cao là tuyển Việt Nam lọt đến vòng tứ kết ASIAN Cup và vô địch AFF Cup 2008. Thế nhưng, do quan niệm "đòn đau nhớ lâu" nên cuộc chiến chống tiêu cực đôi lúc bị xem nhẹ. Hệ quả là chỉ trong vài tháng, người ta đã phát hiện hàng loạt vụ bán độ và nhiều khả năng, những mảng tối sẽ tiếp tục được phát hiện khi cơ quan điều tra mở rộng vụ án.Có thể thấy, VFF đang muốn thực hiện một cuộc chiến chống tiêu cực triệt để, toàn diện. Đó là lựa chọn không thể khác khi mà nền bóng đá đang ở tận cùng của sự khủng hoảng. Nếu không thay đổi, chắc chắn, sự đổ vỡ sẽ đến với sân cỏ cả nước khi người hâm mộ và các doanh nghiệp quay lưng vì mất lòng tin.