Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó cho việc xuất nhập vàng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Để kiềm chế nhập siêu và "tiết kiệm" ngoại tệ phục vụ nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, từ tháng 6 năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước không cấp thêm hạn ngạch nhập khẩu vàng miếng.

KTĐT - Để kiềm chế nhập siêu và "tiết kiệm" ngoại tệ phục vụ nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, từ tháng 6 năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước không cấp thêm hạn ngạch nhập khẩu vàng miếng.

Ngay cả khi giá trong nước vênh xa so với thế giới tới nửa triệu đồng một lượng, doanh nghiệp cũng không dám mơ tới hạn ngạch chính thức song lo ngại tình trạng nhập lậu có thể xảy ra.

Để kiềm chế nhập siêu và "tiết kiệm" ngoại tệ phục vụ nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, từ tháng 6 năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước không cấp thêm hạn ngạch nhập khẩu vàng miếng. Suốt từ thời điểm đó đến nay, giá vàng trong nước thường cao hơn thế giới, đỉnh điểm có lúc vênh hơn một triệu đồng mỗi lượng.

Vào một vài thời điểm hiếm hoi của ba tháng giữa năm, Ngân hàng Nhà nước đã chớp cơ hội cho phép xuất khẩu vàng miếng để bù đắp nguồn ngoại hối đang thiếu hụt trong nước. Lượng xuất của tháng 3-4-5, lượng kim loại quý xuất khẩu tăng hàng chục lần so với năm ngoái, giúp đưa kim ngạch 5 tháng đầu năm lên hơn 2,6 tỷ USD. Sau đợt xuất ồ ạt này, đạt trên dưới 70 tấn tương đương lượng nhập của cả năm ngoái, nguồn cung vàng miếng trong nước càng khan hiếm, thị trường lại quay về thế giá trong nước luôn cao hơn thế giới hàng trăm nghìn đồng mỗi lượng.

Với giá thế giới dao động trên dưới 1.042 USD một ounce như ngày 27/10, quy ra tiền Việt, tính cả thuế và các chi phí, chỉ vào khoảng 23,2 triệu đồng một lượng, thấp hơn giá bán trong nước trên dưới 500.000 đồng một lượng.

Diễn biến giá vàng hiện nay khiến nhiều người lo ngại tình trạng nhập lậu gia tăng. Không khó để suy đoán khi giá đôla tự do những ngày qua liên tục tăng cao. Giới kinh doanh phỏng đoán có thể một lượng đáng kể đôla ngoài chợ đen đang được thu gom để nhập lậu vàng.

Một quan chức Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này vẫn theo dõi sát sao diễn biến thị trường và khả năng của các doanh nghiệp đầu mối để có quyết định phù hợp. Tuy nhiên, giới kinh doanh đều hiểu trong bối cảnh hiện nay, khi nguồn ngoại tệ chưa dư dả, áp lực nhập siêu vẫn lớn, khả năng mở quota nhập vàng về lúc này hầu như không có. Tình trạng nhập lậu cũng không phải là sức ép đáng kể khiến cơ quan quản lý phải thay đổi quan điểm kiềm chế nhập siêu, bởi lượng vàng đi qua đường tiểu ngạch không đáng kể so với chính thức.

Không chỉ bí đường "về", khả năng xuất khẩu vàng cũng gần như bằng không cho dù giá trong nước xuống thấp hơn thế giới. Tuần đầu tháng 10, đã có lúc giá trong nước rẻ hơn thế giới, song cơ quan quản lý cũng không dám quyết định mở cửa xuất vàng. Bởi nguồn trong nước không còn, trong khi mức vênh giá 100.000-200.000 đồng một lượng không đủ bù đắp các chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra. Đó là chưa kể sự vênh nhau giữa tỷ giá đôla trong ngân hàng với tỷ giá tự do, các nhà xuất khẩu khó kiếm lợi khi thu đôla về lại phải quy đổi theo giá chính thức, còn khi nhập vàng phải mua gom đôla theo giá tự do.

"Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước theo dõi thị trường sát sao và cân nhắc đưa ra biện pháp phù hợp cũng là hợp lý, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh. Hơn nữa, giả sử giá trong nước quá thấp so với thế giới, nếu vẫn cấm xuất qua đường chính thức, ắt phát sinh chuyện xuất lậu và ngược lại", ông Đỗ Minh Phú, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam nói.