Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó chống tham nhũng nếu còn “đóng cửa bảo nhau”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 9/11, trao đổi với báo chí, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, nguyên nhân khiến cho án tham nhũng và tội phạm tham nhũng “bốc hơi” là “có dấu hiệu tham nhũng ngay trong lực lượng chống tham nhũng”.

Bà từng phát biểu rằng, nguyên nhân dẫn đến công tác PCTN không đạt như kỳ vọng, lỗi quan trọng nhất thuộc về con người, chứ không phải do hệ thống pháp luật của chúng ta chưa đầy đủ?

- Nếu so sánh, các vụ án trật tự trị an càng kéo dài, càng mở rộng điều tra thì càng phát hiện nhiều đối tượng, chứng cứ được củng cố chặt chẽ hơn, nhưng án tham nhũng thì ngược lại: Càng kéo dài thời gian xử lý thì càng thu hẹp đối tượng, tài liệu chứng cứ bị mất, bị thay đổi theo hướng có lợi cho đối tượng phạm tội, sau đó không xử lý được. Đây là điều “không thể chấp nhận được” vì là lỗi sơ đẳng mà ngay đến điều tra viên cấp huyện còn ít mắc phải chứ nói gì đến cơ quan điều tra cấp TƯ. Đồng thời, tình trạng này còn cho biết, dấu hiệu tham nhũng có ngay trong lực lượng chống tham nhũng. Như vậy, do tổ chức thực hiện không đúng Luật chứ không phải là do Luật.

Việc hành vi tham nhũng thường được “nhẹ nhàng hóa” khiến dư luận rất bất bình. Theo bà, cần phải làm thế nào để hạn chế được tình trạng này?

- Theo tôi, hầu như không có trường hợp cố ý làm trái nào mà không có động cơ là để tham nhũng. Cho nên, cần phải hình sự hóa một số hành vi trong Luật PCTN, đưa tội tham nhũng và các tội có liên quan vào Luật Hình sự. Ví dụ, tội cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng cũng phải xem xét theo Bộ luật Hình sự.

Thảo luận về Luật PCTN (sửa đổi), nhiều ĐBQH đề nghị cần thành lập một cơ quan PCTN trực thuộc Quốc hội, quan điểm của bà về vấn đề này thế nào?

- Tôi cho rằng, nếu Quốc hội có thành lập được cơ quan chuyên trách như vậy, cũng là điều rất tốt, nhưng làm sao cơ quan này phải có địa vị pháp lý rõ ràng và thực quyền, chứ đừng như Kiểm toán Nhà nước hiện nay, rất nửa vời. Kiểm toán là công cụ để Quốc hội giám sát Chính phủ nhưng đây không phải là cơ quan của Quốc hội cũng không phải cơ quan của Chính phủ, Tổng kiểm toán Quốc hội muốn bầu cũng phải có sự thống nhất của Thủ tướng. Kết luận kiểm toán chưa có giá trị bắt buộc thi hành, chưa bao giờ tổng kiểm toán được báo cáo tình hình ngân sách hàng năm trước Quốc hội…

Xin cảm ơn bà!