Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó có ưu đãi về vốn tín dụng cho dự án cao tốc Bắc-Nam

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Tài chính vừa có văn bản thống nhất với đề xuất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc cho vay với dự án hợp tác công- tư (PPP) trong thời gian tới cần tiếp tục theo cơ chế thương mại hiện hành.

Theo đó, các ngân hàng tự xem xét, quyết định cho vay trên cơ sở thẩm định hiệu quả dự án, khả năng trả nợ của khách hàng và khả năng cân đói nguồn vốn các ngân hàng. Trước đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT đánh giá cụ thể nhu cầu vốn tín dụng cho các dự án PPP giai đoạn tới và đề xuất các giải pháp khả thi để thu xếp vốn.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Phía Ngân hàng Nhà nước sau đó đã có văn bản gửi các bộ liên quan cho rằng, việc cấp tín dụng và thu hồi vốn vay của các tổ chức tín dụng với dự án giao thông thời gian qua gặp nhiều rủi ro, đặc biệt là rủi ro xuất phát từ chính sách, từ chính dự án và khách hàng vay vốn. Việc cho vay với dự án PPP nói chung và dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông nói riêng theo lãnh đạo ngành ngân hàng bởi vậy cần tiếp tục thực hiện theo cơ chế thương mại hiện hành
Cụ thể, lãnh đạo Bộ Tài chính dẫn đánh giá từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, các ngân hàng đều quan tâm tới xem xét tiếp cận các dự án PPP nói chung và dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông nói riêng.
Tuy vậy, trước đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng nêu đánh giá, việc cấp tín dụng với các dự án BT, BOT có mức rủi ro cao hơn so với các khoản tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh thông thường do dự án BOT có thời gian thu hồi vốn dài. Ngoài ra, ngành ngân hàng cũng chỉ ra thực tế, tại các dự án trên, giá trị đảm bảo chủ yếu là tài sản hình thành từ vốn vay nên khó định giá. “Trường hợp dự án không triển khai hoặc hoàn thành theo đúng tiến độ hay không phát huy hiệu quả kinh tế như dự kiến sẽ gây ra nhiều khó khăn cho các tổ chức tín dụng”- đại diện ngành ngân hàng cho biết.
Cũng theo đánh giá, thời gian cho vay các dự án BOT thường kéo dài 15 - 20 năm trong khi nguồn huy động từ các ngân hàng thường có thời hạn ngắn nên việc tập trung cho vay các dự án BOT có thể gây mất cân đối kỳ hạn và tăng rủi ro thanh khoản với ngân hàng. Ngoài ra, phía Ngân hàng Nhà nước trước đó đã tính toán, tới 30/6, tổng mức cam kết tín dụng với các dự án PPP là hơn 177.000 tỷ đồng, tổng số dư cấp tín dụng là trên 97.000 tỷ đồng. Điều này theo đại diện Ngân hàng Nhà nước đã tạo áp lực cho các tổ chức tín dụng trong việc thu hồi vốn vay và huy động nguồn vốn các dự án.