Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khổ cùng cực như bệnh nhân trong nắng nóng kỷ lục ở Thủ đô

Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nắng nóng gay gắt, ngột ngạt trong những ngày gần đây khiến người già và trẻ em “đua” nhau nhập viện, ngay đến cả những người khỏe mạnh cũng rã rời với thời tiết.

Nắng nóng có thể tiếp tục kéo dài trong mùa Hè này, do vậy các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần trang bị cho mình những kiến thức phòng chống bệnh tật.Nhiều người nhà bệnh nhân phải vạ vật nằm ở hành lang, dưới bóng cây… để tránh nắng nóng..
 Bệnh nhân và người nhà chờ khám tại bệnh viện Nhi.
Những ngày đầu tháng 7, nắng nóng đỉnh điểm với nền nhiệt độ trung bình có lúc lên đến gần 40 độ C, ngoài trời chênh lệch nhiều so với nhiệt độ trung bình, lên tới gần 50 độ C. Thời tiết oi bức đã làm cho người nhà bệnh nhân tại bệnh viện phải vật vã tìm mọi cách để tránh nắng nóng.Ghi nhận tại nhiều bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Nhi T.Ư, Bệnh viện K, nhiều người nhà bệnh nhân đã ra các hành lang, gốc cây, gầm cầu thang để tránh nắng nóng.
 
7 giờ sáng nhưng thời tiết ngoài trời ở Hà Nội đã vượt ngưỡng 35 độ C, tâm lý “trốn nắng, trốn nóng” được người dân đặt lên hàng đầu, nhưng Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư vẫn tấp nập phụ huynh đưa con đến khám. Các bệnh nhân và người nhà ngồi đầy ghế chờ ở các hành lang , hơi nóng hầm hập phả lên từ mặt đất khiến người đứng chờ dưới các bóng râm cũng mướt mải mồ hôi.
 
Xuất phát ở Phú Thọ từ chiều hôm trước, lên Hà Nội thuê phòng nghỉ qua đêm và có mặt tại BV từ 5 sáng, gia đình bé Nguyễn Văn Ph. (9 tháng tuổi) lòng vòng quanh viện để đưa con làm thủ tục xét nghiệm, khám và chụp chiếu. Mẹ bé Ph. cho hay, cháu bị ho, sốt liên tục cả tuần không khỏi, nên gia đình phải đưa cháu lên Hà Nội kiểm tra, con thì khóc quấy, thời tiết thì ngột ngạt, càng khiến chị thêm mệt mỏi. “Bác sĩ hẹn 3 giờ chiều mới có hết các kết quả, cả nhà lại vạ vật ở hành lang chờ đợi chứ không dám ra ngoài đường, cứ thế này con khỏi ốm chắc đến lượt mẹ” – mẹ bé Ph. lo lắng.
 
Theo các bác sĩ tại khoa Khám bệnh 2, BV Nhi T.Ư , trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận khám và điều trị cho 2.500 - 3.000 bệnh nhi, những ngày nắng nóng, số bệnh nhi luôn dao động trong khoảng 2.500 trẻ/ca khiến áp lực công việc càng nặng nề. Cũng trong tình trạng quá tải, khoa Hồi sức cấp cứu (BV Nhi T.Ư), một tháng trở lại đây, liên tục tiếp nhận các ca bệnh, hơn 10 máy thở tại khoa luôn hoạt động hết công suất. Đặc biệt, thời tiết càng nắng nóng, số lượng bệnh nhi mắc các bệnh về đường hô hấp, viêm não và đuối nước lại càng tăng.
 
Tại khoa Nhi, BV Đa khoa Xanh Pôn, lượng bệnh nhi cũng tăng từ 5 – 7%, phần lớn trẻ nhập viện do viêm đường hô hấp dẫn đến viêm phổi nặng, sốt cao khó hạ thân nhiệt, thậm chí nhiều trẻ nhập viện do bị sốc nhiệt vì ra vào phòng điều hòa liên tục khiến cơ thể không kịp thích ứng.
 
Không chỉ trẻ nhỏ, nắng nóng gay gắt cũng khiến lượng bệnh nhân cao tuổi đến khám tại BV Lão khoa T.Ư tăng. Trung bình mỗi ngày có khoảng 300 bệnh nhân đến khám và điều trị tại đây. Số bệnh nhân đột quỵ vì nắng nóng cũng tăng lên trong những ngày qua. Riêng tại khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) mỗi ngày tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhân đột quỵ.
 
Ngay cả những người vốn có sức khỏe tốt cũng đổ bệnh trong những ngày nắng nóng gay gắt vừa qua. Như trường hợp anh Nguyễn Mạnh L. (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vốn là một người chẳng bao giờ biết đến ốm đau ngoài vài lần cảm cúm nhẹ. Vậy mà, sau khoảng 2 tiếng đi ngoài đường vào giữa trưa Chủ nhật vừa rồi, về đến nhà, anh L. đã nằm bẹp giường đến tận ngày hôm sau vì say nắng.
 
Anh Bình (ở tỉnh Thanh Hoá) cho biết, giờ trưa anh đi mua đồ ăn cho người nhà, sau đó tranh thủ ra ngoài để nghỉ trưa, vì thời gian nghỉ trưa cũng ít, nên anh không về nhà trọ.
 Gầm cầu thanh làm nơi nghỉ ngơi tránh nắng nóng.
Như trường hợp anh Tuyến thì khác, từ Hoài Đức lên đưa con đi khám tại viện Nhi, nhưng chưa được vào khám nên hai bố còn nằm chờ tại hành lang đến chiều mới có thể khám.