Thanh toán không dùng tiền mặt để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, giúp tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu và giao dịch, giúp dòng chảy tiền tệ rõ ràng và trơn tru hơn. Nền kinh tế mạnh luôn đi kèm với một hệ thống thanh toán hiện đại.
Nhiều lợi ích
Với thanh toán không dùng tiền mặt, người dân chỉ cần mang theo thẻ, thậm chí chỉ cần có điện thoại thông minh là có thể thanh toán. Gần đây, nhiều cửa hàng, siêu thị, bệnh viện… sử dụng QR Code (mã phản ứng nhanh). Với dịch vụ này, khách hàng chỉ cần quét mã QR bằng camera trên điện thoại di động và nhập số tiền thanh toán là giao dịch được hoàn tất. Mới đây, khi bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh triển khai thanh toán điện tử, anh Đinh Hùng cho biết, thật tiện lợi khi chỉ vài chục phút là anh thanh toán xong viện phí thay vì đợi cả buổi như trước.
Với các đơn vị bán hàng hóa, thanh toán điện tử giúp cung ứng dịch vụ nhanh chóng; giúp có tập hợp thông tin khách hàng lớn để đánh giá, phân loại; nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm thiểu rủi ro và chi phí cho việc bảo quản, luân chuyển, xử lý tiền mặt…
Chính phủ cũng được hưởng lợi từ quá trình dịch chuyển sang thanh toán điện tử thông qua việc tăng cường tính minh bạch của nền kinh tế; thu hẹp hoạt động kinh tế ngầm; cùng với đó là mở rộng khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ ngân hàng - tài chính tới mọi người dân.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh tại hội thảo "Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam" mới đây nhận định: Thúc đẩy thanh toán điện tử hướng tới xã hội không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra tác động kép, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ thực hiện chiến lược tài chính toàn diện thông qua phổ cập dịch vụ ngân hàng, tài chính.
Thế giới với giao dịch không tiền mặt
Theo báo cáo World Cash Report 2018 của G4S, trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông so với GDP năm 2016 tăng lên trên 9,6% so với mức 8,1% năm 2011.
Số liệu trên cho thấy mặc dù thanh toán điện tử đang được đẩy mạnh, thanh toán di động đã trở thành xu hướng rõ nét ở nhiều nước nhưng tiền mặt vẫn còn được sử dụng nhiều trong các giao dịch nhỏ, lẻ và một xã hội không tiền mặt vẫn là đích đến lâu dài của nhiều quốc gia trên thế giới. Các thị trường mới nổi đang thúc đẩy sự tăng trưởng trong thanh toán kỹ thuật số khi ngành công nghiệp phản ứng với sự phát triển của nhu cầu khách hàng và quy định.
Theo một báo cáo thanh toán thế giới năm 2019, khối lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đang tăng nhanh, đặc biệt là ở các thị trường đang phát triển ở châu Á (tăng trưởng 32%) và CEMEA: Trung Âu, Trung Đông và châu Phi (tăng trưởng 19%). Nó được dự đoán sẽ đứng đầu 1.046 tỷ giao dịch phi tiền mặt trên toàn cầu vào năm 2022, tương đương với tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm là 14%.
Ngược lại, các thị trường trưởng thành bao gồm châu Âu và Bắc Mỹ có tốc độ tăng trưởng ổn định hơn 7%. Thẻ ghi nợ là những công cụ thanh toán không dùng tiền mặt phát triển nhanh nhất, với giao dịch tăng 17% vào năm 2017, trước thẻ tín dụng (11%) và chuyển tín dụng (10%).
Số tiền thanh toán không dùng tiền mặt ở Trung Quốc trong quý thứ 3 của năm 2019 đã tăng 54,8% so với cùng kỳ năm ngoái, một báo cáo của ngân hàng T.Ư nước này cho thấy. Số tiền liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt, bao gồm giấy tờ thương mại, thẻ ngân hàng và phương tiện thanh toán trực tuyến, đứng ở mức 926,03 nghìn tỷ nhân dân tệ trong quý III, theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC).
Tổng cộng có 8,22 tỷ thẻ ngân hàng đã được sử dụng vào cuối quý III, tăng 3% so với một phần tư trước đây với trung bình mỗi người Trung Quốc sở hữu 5,89 thẻ ngân hàng.
Để thúc đẩy nền kinh tế không tiền mặt, Pháp và Bỉ đưa ra quy định giao dịch có giá trị lớn hơn 3.000 euro phải áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt, nếu vi phạm sẽ bị phạt rất cao. Hàn Quốc áp dụng chính sách khấu trừ 1% tổng số VAT thu được trên doanh số bán cho các đơn vị chấp nhận thẻ điện tử, khấu trừ 10% thuế thu nhập đối với các khoản chi bằng thẻ vượt quá 10% thu nhập hàng năm. Cũng theo thống kê, tại Thụy Điển, đến hết năm 2015 có 900 trong tổng số 1.600 chi nhánh ngân hàng ở nước này không còn giữ tiền mặt hay nhận tiền gửi của khách hàng bằng tiền mặt; các máy rút tiền tự động (ATM) cũng rất ít.
Việt Nam hòa nhịp
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã có kết quả đáng ghi nhận trong năm 2018 và tiếp tục tăng cao vào năm 2019.
MoMo, ví điện tử nổi tiếng nhất ở Việt Nam, hiện có 10 triệu người dùng, 100.000 đối tác và hơn 100.000 điểm bán hàng (POS). Nó đang thu hút nhiều người dùng hơn bằng cách hợp tác với các ngân hàng và tạo ra nhiều điểm thanh toán cũng như các dịch vụ ngoại tuyến và trực tuyến.
Trước sự bùng nổ của thanh toán không dùng tiền mặt, thị trường thẻ tín dụng Việt Nam trở nên cạnh tranh gay gắt. Các ngân hàng trong và ngoài nước cũng như các công ty tài chính đang thực hiện các chương trình hoàn lại tiền và sử dụng miễn phí trong năm đầu tiên, và làm việc với các nhà hàng, khách sạn và đại lý du lịch để giảm giá cho người dùng thẻ tín dụng.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu chi nhánh các tỉnh, TP triển khai các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên lĩnh vực y tế, giáo dục. Đặc biệt, các trường học, bệnh viện... sẽ lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ, thanh toán ứng dụng QR, cho phép phụ huynh, người bệnh... sử dụng thiết bị di động, thẻ ngân hàng để thanh toán, tương tự như việc mua hàng trong siêu thị.
Theo Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam hiện có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động (mobile payment). Theo số liệu mà Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, thương mại điện tử tại Việt Nam thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực khi mà các giao dịch qua internet, di động tăng tới 238% về giá trị. Tuy nhiên, tiền mặt vẫn chiếm ưu thế với hơn 90% giao dịch.
Mục tiêu được Chính phủ, đến năm 2020, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt phải chiếm hơn 30% trên tổng phương tiện thanh toán tại Việt Nam. Để đạt mục tiêu này, việc đầu tiên là phải tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, đơn vị và đông đảo người dân. Tuy nhiên, như một người dân chia sẻ: “Chúng ta không thể bỏ qua lợi ích của những người “mù” công nghệ, tức vẫn phải duy trì hệ thống thanh toán bằng tiền mặt”.
Song song đó, cần xây dựng cho được hệ sinh thái thanh toán điện tử ngày càng tiện lợi cho người giao dịch. Một chuyên gia cho biết: Xây dựng một hệ thống thanh toán hiện đại là mục tiêu dài hạn của ngành ngân hàng Việt Nam. Một hệ thống thanh toán được tổ chức tốt hơn, an toàn hơn, ít rủi ro hơn thì không chỉ làm tăng doanh số thanh toán, làm cho dịch vụ thanh toán ngày càng trở nên hoàn thiện hơn trong mắt của người tiêu dùng mà còn góp phần hỗ trợ tích cực cho các hoạt động của các dịch vụ khác phát triển.
Hiện đại hóa hệ thống thanh toán điện tử của ngân hàng sẽ giúp ngân hàng xây dựng được kết cấu hạ tầng hiện đại để cung cấp các sản phẩm dịch vụ đa dạng, ngày càng thỏa mãn tốt hơn các nhu cầu của khách hàng, giảm chi phí vận hành, tăng cường hiệu quả quản lý và tăng hiệu quả kinh doanh.
Mới đây, thông tin trên các báo cho biết, khoảng 600.000 thiết bị thẻ thanh toán sẽ được công ty công nghệ Hàn Quốc phát triển ở Việt Nam trong 5 năm tới. Công ty Hàn Quốc này sẽ đầu tư 700 triệu USD trong 5 năm tới xây dựng hạ tầng các điểm bán hàng (Poit of Sale-POS) dùng chung sử dụng công nghệ sinh trắc học, QR Code... ở Việt Nam. Trước mắt, DN này sẽ hợp tác với VietinBank và Sacombank triển khai hạ tầng POS dùng chung. Như vậy, thanh toán không dùng tiền mặt còn được xem là thị trường để đầu tư.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, khoảng 30% dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng, số người còn lại chưa có tài khoản này, tập trung ở thôn quê, vùng sâu, vùng xa. Đây là vấn đề cần giải quyết, vì có tài khoản ngân hàng mới có thể thanh toán không dùng tiền mặt. |