Kinhtedothi - Ngoài sự vào cuộc thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương, hệ thống cơ sở hạ tầng văn hóa thiếu thốn, yếu kém cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ tới phong trào phát triển văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh ở ngoại thành. Điều này khiến việc thực hiện các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới gặp khá nhiều chông gai.
Thiếu nơi sinh hoạt cộng đồng
Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, mừng thọ, nhiều nơi đã tổ chức đám cưới hay lễ mừng thọ tại các nhà văn hóa thôn, xã. Tuy nhiên, thực tế không phải địa phương nào cũng có điều kiện cơ sở vật chất để làm điều đó. Đơn cử, cụm dân cư số 2, xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng có địa bàn rộng lớn gồm gần 300 hộ dân với trên 1.000 nhân khẩu. Dù vậy, nhiều năm nay, lãnh đạo chi bộ, trưởng cụm, các tổ chức đoàn thể của cụm dân cư này luôn phải "đau đầu" tìm nơi sinh hoạt, hội họp. Dẫn chúng tôi tới thăm nơi hội họp tạm thời của cụm, Bí thư Chi bộ cụm 2 Nguyễn Xuân Bính cười xòa: "May là xã mới xây trường mầm non từ năm ngoái nên lớp học cũ được giao tạm cho cụm làm nơi hội họp". Gọi là nơi hội họp, căn nhà cấp 4 khá tuềnh toàng, cũ kỹ, bên trong không có thiết bị gì ngoài khoảng chục bộ bàn ghế gỗ cũ của lớp học để lại.
Nhà văn hóa và thư viện thôn An Vọng, xã Hoàng Diệu (Chương Mỹ). Ảnh: Quang Thiện
|
Không chỉ cụm dân cư số 2, nhiều cụm dân cư khác trên địa bàn xã Thọ Xuân cũng đang trong tình trạng tương tự. Theo thống kê của UBND xã Thọ Xuân, toàn xã có 4 thôn với 10 cụm dân cư nhưng đến nay mới chỉ có một thôn xây dựng được nhà văn hóa và 4/10 cụm dân cư có nhà hội họp. Còn lại ở các thôn, cụm dân cư khác, hoạt động hội họp, văn hóa cộng đồng đều phải nhờ địa điểm trong dân cư. Đáng nói là số nhà văn hóa, nơi hội họp hiện có của xã hầu hết mới chỉ có bàn ghế, còn hệ thống trang thiết bị như âm thanh, ánh sáng, ti vi, sách báo... đều thiếu thốn. Đặc biệt, điều kiện sân chơi, bãi tập thể thao trên địa bàn xã cũng còn hạn chế nên tại một số thôn, thanh niên phải đi thuê tạm ruộng đất của người dân chưa sản xuất để làm sân bóng đá.
Cũng gặp nhiều khó khăn về hệ thống cơ sở vật chất văn hóa như ở xã Thọ Xuân là xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ. Đến thôn 2, xã Quảng Bị đúng lúc cán bộ thôn đang tiến hành rà soát danh sách các hộ gia đình chính sách phục vụ cho công tác thăm hỏi, tặng quà dịp 27/7 mới thấy hết sự thiếu thốn về cơ sở vật chất văn hóa của thôn này. Hội trường thôn là 5 gian nhà mượn tạm của nhà chùa, bên trong chỉ có 4 - 5 bộ bàn ghế dài cũ kỹ được "xin" lại từ trường tiểu học. Một cán bộ Hội phụ nữ thôn 2 chia sẻ, nhiều hôm, nhà chùa có việc, nên việc họp hành của thôn và các tổ chức đoàn thể phải hoãn lại hoặc chuyển sang nhờ nhà dân. Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Dương Viết Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Bị cho biết, hiện cả 4/4 thôn trên địa bàn xã đều chưa có nhà văn hóa đạt chuẩn, hầu hết phải mượn địa điểm của đình, đền, chùa làm điểm sinh hoạt tạm thời. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho xã chưa có thôn nào đạt danh hiệu làng văn hóa.
Loay hoay với các danh hiệu văn hóa
Điều kiện cơ sở vật chất văn hóa và thực hiện nếp sống văn minh là một trong những điều kiện để xét các danh hiệu gia đình văn hóa, đơn vị văn hóa, làng văn hóa. Đây còn là 2 trong số 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Theo các địa phương, hiện nay, để xây dựng được một nhà văn hóa, khu thể thao đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTT&DL là không hề đơn giản. Bởi ngoài yếu tố diện tích (nhà văn hóa diện tích 1.000m2 đối với đồng bằng, 800m2 đối với miền núi), kinh phí xây dựng cũng lên tới hàng tỷ đồng, trong khi công tác xã hội hóa của hầu hết các địa phương đều chậm, còn nguồn từ đấu giá đất rất hạn chế. Bởi vậy, rất nhiều địa phương không đạt được các chỉ tiêu về văn hóa đã đề ra.
Đơn cử, năm 2013, huyện Chương Mỹ được giao chỉ tiêu xây dựng 2 tổ dân phố văn hóa, 12 đơn vị văn hóa, 5 làng văn hóa. Tuy nhiên qua bình xét, chỉ có một tổ dân phố, 6 đơn vị đạt danh hiệu văn hóa. Đặc biệt, huyện không công nhận thêm được làng văn hóa nào và giữ nguyên con số 65 làng văn hóa từ năm 2012. Trưởng phòng VH - TT huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến cho biết, đến hết năm 2013, toàn huyện mới xây dựng được 187 nhà văn hóa cấp thôn xóm, còn 39 thôn xóm, khu dân cư chưa xây dựng được nhà văn hóa nằm rải rác ở 13 xã, thị trấn. Bởi vậy, kết quả tổng kết năm 2013, huyện còn 8/32 xã chưa có làng văn hóa (chiếm 25%); 7 xã, thị trấn chưa có đơn vị văn hóa (21,8%).Tại huyện Quốc Oai, trong năm 2013, toàn huyện có 31 đơn vị đăng ký kiểm tra, xét công nhận danh hiệu đơn vị văn hóa. Tuy nhiên, thực tế trong quá trình kiểm tra có tới 10 đơn vị xin rút hoặc không đủ tiêu chuẩn để xét đơn vị văn hóa. Trên cơ sở kiểm tra, xét 21 đơn vị còn lại, huyện chỉ công nhận đơn vị văn hóa cho 18 đơn vị, còn lại 3 đơn vị chưa đủ điều kiện. Như vậy, đến hết năm 2013, toàn huyện Quốc Oai mới có 74 đơn vị đạt danh hiệu văn hóa, chiếm 43,52%. Theo nhận định của Ban Chỉ đạo "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" huyện Quốc Oai, tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên có chiều hướng gia tăng, cùng với các tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả bình xét các danh hiệu văn hóa như gia đình văn hóa, làng văn hóa, đơn vị văn hóa.
Để nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa tinh thần, xây dựng nếp sống văn minh, ngoài nỗ lực của chính quyền cơ sở, các địa phương đều bày tỏ mong muốn, TP, huyện có chính sách hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa.
Bài 4: Trách nhiệm không của riêng ai