Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó hiệu quả nếu...

Minh Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi các sở xây dựng về công tác phòng chống rửa tiền trong kinh doanh bất động sản (BĐS).

Theo đó, các sở phải yêu cầu DN kinh doanh dịch vụ quản lý, môi giới BĐS, sàn giao dịch thực hiện các quy định về nhận biết, cập nhật thông tin khách hàng, rà soát các giao dịch. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng nếu không có sự kiểm tra, giám sát và xử lý theo chế tài, quy định đưa ra sẽ khó mang lại hiệu quả thực tế.
Báo cáo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực BĐS là cao do các giao dịch mua bán, chuyển nhượng BĐS có thể thực hiện bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và không thông qua sàn giao dịch BĐS nên rất khó cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguồn gốc của tiền.
Thực tế, BĐS là kênh đầu tư hợp pháp tại Việt Nam nên nhiều đối tượng lợi dụng để biến tiền từ các hoạt động tội phạm, tham nhũng thành tiền "sạch" do hành lang pháp lý để giám sát những giao dịch này còn chưa chặt chẽ. Chính vì thế quy định này sẽ khuyến khích người dân giao dịch thông qua ngân hàng thay vì mang tiền mặt đến sàn BĐS.
Thực tế các quy định về phòng chống rửa tiền đều đã có đầy đủ trong Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, cùng rất nhiều quy định trong đó có cả hạn mức giao dịch từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo NHNN. Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước lại gặp không ít khó.
Đặc biệt trong các giao dịch đặt cọc hay thỏa thuận góp vốn, những người mua BĐS dạng đầu tư "lướt sóng" muốn giao dịch bằng tiền mặt với lượng tiền rất lớn, cơ quan quản lý Nhà nước khó kiểm soát. Đồng thời hiện các sàn giao dịch BĐS có tâm lý giấu thông tin khách hàng hoặc sợ ảnh hưởng tâm lý khách hàng nên không tuân thủ các quy định về báo cáo các giao dịch tiền mặt từ 300 triệu đồng trở lên.
Trong khi việc kiểm tra, giám sát và xử lý theo chế tài của các cơ quan Nhà nước vẫn chưa thực sự quyết liệt. Các quy định đã có từ rất lâu nhưng chưa thấy trường hợp nào bị xử lý nếu không báo cáo. Đó mới là vấn đề cần thiết, cấp bách hơn so với việc phải báo cáo số tiền mặt giao dịch 300 triệu đồng, vì nó không giải quyết vấn đề điều tra nguồn tiền, không có ngân hàng kiểm soát.
Chức năng chống rửa tiền không thuộc Bộ Xây dựng, mà chủ yếu của NHNN, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT... Và nếu không làm tốt việc giám sát và xử lý, quy định này sẽ chỉ làm cho các thủ tục hành chính của các công ty BĐS thêm rắc rối.