Động thái này của ông Obama chẳng khác gì phó mặc diễn đàn cho những đối tác, đối thủ cạnh tranh khác, đặc biệt cho Trung Quốc và Nga.Công bằng và khách quan mà nói ông Obama không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải huỷ kế hoạch công du Đông Nam Á nói trên. Dù chuyến thăm 4 nước Đông Nam Á, chuyện tham dự hội nghị cấp cao APEC, hội nghị cấp cao Đông Á, cấp cao ASEAN - Mỹ và việc đàm phán về thành lập Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa Mỹ với 11 đối tác khác rất quan trọng đối với nước Mỹ. Nhưng chuyện chính trị nội bộ còn cấp thiết hơn và đồng thời cũng nhiều rủi ro hơn đối với ông Obama. Nước Mỹ đang trong tình trạng chính phủ buộc phải ngừng hoạt động vì không có ngân sách. Nước Mỹ đứng trước thời điểm ngày 17/10 tới là lúc nền kinh tế lớn nhất thế giới này tiếp tục còn khả năng trả nợ hay sẽ vỡ nợ. Tất cả phụ thuộc vào cuộc dền dứ giữa đảng Cộng hoà và ông Obama cùng với đảng Dân chủ mà đến nay chưa bên nào có dấu hiệu sẵn sàng nhượng bộ hoặc là bên đầu tiên chấp nhận xuống thang. Những gì đang được tranh đấu và bất chấp ở Mỹ có tác động rất sâu sắc tới chính trường và nội bộ xã hội nước Mỹ, tới chính sách của cả hai đảng phái chính trị trong tương lai, tới mối quan hệ quyền lực giữa Quốc hội và Tổng thống, tới uy tín và khả năng hành động của nước Mỹ ở bên ngoài, tới kinh tế và cả chính trị an ninh thế giới. Vì thế, ông Obama phải lựa chọn và xem ra không có sự lựa chọn nào khác. Mỹ không thay đổi chiến lược đối với châu Á - Thái Bình Dương mà chẳng qua hiện không thể thực hiện nó như mong muốn.