Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, thành phố gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm do hình thức chăn nuôi của Hà Nội hiện nay chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, không tập trung.
Lực lượng liên ngành kiểm tra phương tiện vận chuyển gia cầm sống tại chốt kiểm dịch số 5, huyện Thường Tín. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
Bên cạnh đó, lượng gia súc gia cầm vận chuyển vào Hà Nội qua nhiều “kênh” nên không được kiểm dịch tại gốc.
Là một trong những địa phương có số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất cả nước, Hà Nội có tới gần 166.000 con trâu bò, 1,37 triệu con lợn và trên 19 triệu con gia cầm. Trong khi đó, hình thức chăn nuôi lại nhỏ lẻ, lạc hậu nằm ngay trong khu dân cư vẫn chiếm hơn 65%.
Mỗi ngày lại có từ 150-200 tấn gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm bằng đường bộ, đường thủy, hàng không từ các tỉnh được chuyển vào thành phố. Nguy cơ tiềm ẩn bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm vật nuôi ở Hà Nội cũng rất cao do an toàn vệ sinh trong khâu giết mổ chưa đạt yêu cầu.
Đến nay, toàn thành phố mới có 7 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung hoạt động thường xuyên, còn lại chủ yếu giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, cơ sở vật chất lạc hậu và xuống cấp không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
Để quản lý chặt chẽ được tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm, Hà Nội đã chủ động hợp tác với các tỉnh thành phía Bắc trao đổi thông tin tình hình dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, cung cấp kịp thời các số liệu về việc cấp giấy kiểm dịch, các trường hợp vi phạm vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi vào địa bàn Hà Nội và từ Hà Nội đi các tỉnh.
Hoạt động này không chỉ mang lại sự an toàn về dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm cho Thủ đô mà còn là động lực giúp công tác kiểm soát thú y tại các địa phương được tốt hơn, nâng cao tỷ trọng của ngành chăn nuôi, góp phần thúc đẩy chăn nuôi của các tỉnh phát triển bền vững.