Bài 3: Diện tích chung ai quản?
Tuy nhiên, dù đã tồn tại từ lâu, nhưng các cơ quan chức năng dường như đang bó tay với vi phạm.
Mất điểm tại những khu đô thị điểm
Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, Công ty đang quản lý 166 tòa nhà TĐC trên địa bàn TP. Trong đó, có những khu, Công ty chỉ quản lý từ bậc thềm của tòa nhà trở vào (khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính), phần hạ tầng xung quanh là của chính quyền địa phương quản lý. Theo ghi nhận của phóng viên, ở bất cứ khu vực nào những diện tích hạ tầng xung quanh cũng bị lấn chiếm một cách vô tội vạ.
Ông Nguyễn Đình Nghi, phòng 306 CT2-X2, khu đô thị Bắc Linh Đàm cho biết, xung quanh tầng 1 của cụm chung cư này có tới hơn 10 ki ốt kinh doanh buôn bán hàng ăn lấn chiếm diện tích sử dụng chung như lối đi, sân chơi. Các quán hàng ăn này thường xuyên giết mổ gia cầm, đun than tổ ong gây khói bụi, hôi thối ảnh hưởng đến người dân. Mái che, mái vẩy, chuồng gà… gây mấy vệ sinh, mỹ quan đô thị. Không chỉ gây mất VSMT, những hàng quán này hoạt động đến 2 - 3 giờ sáng gây ồn ào và không đảm bảo an ninh trật tự cho cư dân. Đồng quan điểm với ông Nghi, ông Trịnh Hồng Vân - Trưởng đại diện cư dân tòa nhà CT2-X2 cho biết, các hàng quán này do thiếu ý thức xả thải bừa bãi xuống cống rãnh xung quanh tòa nhà, cộng với việc không được khơi thông thường xuyên nên cứ mưa là nước thải lại dềnh lên gây ô nhiễm nặng nề.
Trong khi đó, tại nhà N2C, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, một người dân cho biết, cả tòa nhà chỉ có mỗi khoảng sân lớn trước mặt để người già, trẻ nhỏ vui chơi. Thế nhưng, không hiểu sao, từ nhiều năm nay, diện tích sử dụng chung của khu dân cư đã bị biến thành nơi trông giữ xe ô tô 24/24. Đây cũng là tình trạng đã và đang diễn ra tại sân chung tòa nhà A2, A3 khu TĐC Đền Lừ, khu 5,3ha phường Dịch Vọng…
Phối hợp quản lý chưa tốt
Trao đổi về những bất cập trong công tác quản lý trật tự đô thị trong khu TĐC 5,3ha Dịch Vọng, ông Nguyễn Việt Trung - Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng cho biết, Công an phường vẫn thường xuyên tiến hành kiểm tra, nhắc nhở, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, do cuộc sống của những người dân TĐC còn nhiều khó khăn nên việc xử lý triệt để gặp rất nhiều trở ngại. Cũng theo ông Trung, TP đã có chủ trương sử dụng diện tích ở tầng 1 để làm thư viện, siêu thị, nhà trẻ… để phục vụ nhu cầu mua bán, sinh hoạt của người dân, nhưng đến nay mới chỉ có 2/12 tòa tại khu 5,3ha đáp ứng được yêu cầu này, còn lại phần lớn diện tích tầng 1 đang được cho thuê làm trụ sở công ty.
Nền nhà tòa A3, khu tái định cư Đền Lừ bị lún nứt gây gẫy hệ thống thoát nước thải phía dưới. Ảnh: Công Trình |
Nói về trách nhiệm quản lý phần hạ tầng xung quanh chân tòa nhà TĐC CT2-X2 Bắc Linh Đàm, ông Trần Toàn Thương - Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt cho rằng, sự phối hợp giữa Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội với chính quyền các phường hiện nay chưa tốt. Theo ông Thương, việc cho thuê các gian tầng 1 tại các tòa TĐC, nếu trong hợp đồng cho thuê, đơn vị quản lý có điều khoản về việc lợi dụng lấn chiếm vỉa hè lòng đường, gây mất trật tự mỹ quan đô thị sẽ bị xử lý ra sao hoặc có biện pháp tuyên truyền, vận động tới các hộ kinh doanh thực hiện đúng các quy định trong hợp đồng. Trong quá trình sử dụng, nếu các hộ kinh doanh này vẫn cố tình vi phạm, Công ty có thông báo tới UBND phường, phường sẽ cưỡng chế hoặc cho ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước. Phải có sự phối hợp chặt chẽ và hình thức kiên quyết thì vi phạm tại những không gian chung ở các khu TĐC mới mong sớm được giải quyết triệt để. “Hạ tầng cơ sở tại khu TĐC hiện vẫn chưa bàn giao cho phường quản lý, trách nhiệm phối hợp để xử lý mạnh tay những chủ gian hàng vi phạm trật tự văn minh đô thị của đơn vị quản lý tòa nhà chưa tốt. Phường có căng mình ra để xử phạt thì cũng chỉ như bắt cóc bỏ đĩa” - ông Thương nhấn mạnh.
(Còn nữa)