Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó phát triển nếu thiếu thương hiệu

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với chiến lược kinh doanh hợp lý, nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng công nghệ… thì việc phát triển và bảo vệ thương hiệu là một trong những vấn đề then chốt của DN trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Tuy nhiên, thực tế lại có rất ít DN chú trọng đến lĩnh vực này.

80% DN chỉ chi 5% cho thương hiệu
Cùng với sự phát triển của thị trường, số lượng DN ra đời cũng ngày một nhiều hơn nhưng đa phần chưa chú trọng đến vấn đề phát triển thương hiệu và xây dựng thương hiệu một cách bền vững. Theo thống kê, cả nước hiện có gần một triệu DN đang hoạt động nhưng thực tế có đến 80% DN chỉ dùng đến 5% doanh số cho việc phát triển thương hiệu.
Do đó, sản phẩm của các DN Việt dù có chất lượng cao vẫn chưa tìm được vị trí xứng đáng ở cả thị trường nội địa và thị trường quốc tế. Trước xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày một sâu rộng, các chuyên gia cho rằng, DN cần quan tâm đúng mức đến chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu, tăng cường quảng bá, giới thiệu tên thương hiệu của DN trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên mạng internet. Đồng thời, chú trọng đăng ký bảo hộ thương hiệu trong nước và quốc tế nghiêm túc, đầy đủ và kịp thời.
Toàn cảnh hội thảo.
Trong khuôn khổ các hoạt động của Chương trình thương hiệu quốc gia năm 2017, ngày 21/6, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, thông qua phát triển thương hiệu nhằm mục đích để các DN hiểu rõ vấn đề này. Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý thảo luận nhiều vấn đề xoay quanh thực trạng và khuynh hướng phát triển thương hiệu Việt Nam, khuynh hướng tiêu dùng và sử dụng thương hiệu Việt Nam, vai trò của chỉ dẫn địa lý trong phát triển thương hiệu và đặc biệt là giải pháp phát triển thương hiệu cho DN. Ông Đỗ Kim Lang - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Phó Tổng Thư ký Chương trình Thương hiệu Quốc gia cho biết, Chương trình Thương hiệu quốc gia có nhiều hoạt động thường niên như: Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam; đào tạo, tập huấn marketing, quản trị thương hiệu; xây dựng và phát triển thương hiệu ngành nhằm hỗ trợ cho DN phát triển thương hiệu.
Theo định hướng đến năm 2020, Chương trình sẽ tạo dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động phát triển thương hiệu thông qua phối hợp các chương trình và hoạt động tương đồng về mục tiêu và nội dung của các Bộ, ngành nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực. Tiếp tục hỗ trợ DN phát triển thương hiệu thông qua các hoạt động đào tạo, tư vấn và thông tin nhằm nâng cao trình độ kinh doanh và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, phát triển xuất khẩu, tăng thị phần nội địa, xác định hướng xuất khẩu để làm nền tảng xây dựng thương hiệu quốc gia (THQG). Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển thương hiệu cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, trên cơ sở phối hợp giữa thương hiệu sản phẩm và chỉ dẫn địa lý/thương hiệu địa phương. Đồng thời, tăng cường quảng bá THQG và các sản phẩm đạt THQG thông qua các kênh thông tin truyền thông đại chúng, chuyên ngành, các sự kiện thương mại quốc tế ở trong và ngoài nước, và giáo dục ý thức tự hào dân tộc bằng việc sử dụng sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.
Bắt đầu từ chất lượng
Nhấn mạnh về việc các DN cần quan tâm những gì khi xây dựng thương hiệu, bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc Nielsen Việt Nam cho rằng, hiện nay, 80 - 90% ứng viên người Việt nói rằng, nguồn gốc nhãn hiệu cũng quan trọng hoặc quan trọng hơn các quá trình điều khiển mua sắm khác.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng hiện nay đang ngày càng trở thành người tiêu dùng thông minh, khi lựa chọn họ kỳ vọng vào những sản phẩm có chất lượng tốt, uy tín; mang đến những giá trị đích thực; đảm bảo sức khỏe tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt hơn; sử dụng nhiều hơn các nguyên liệu thiên nhiên để đáp ứng vấn đề sức khỏe cũng như bảo vệ môi trường; trao cho người tiêu dùng nhiều hơn sự trải nghiệm khi sử dụng sản phẩm… cùng với đó, phải đẩy mạnh việc tương tác với khách hàng, đảm bảo yếu tố 3R (chạm - tiếp nhận - phản ứng của khách hàng).
“4/5 người Việt sẵn sàng chi trả cao hơn để mua các sản phẩm có cam kết về những tác động tích cực đến môi trường và xã hội” - bà Đặng Thúy Hà chia sẻ. Còn bà Đào Thúy Hà - Giám đốc Marketing (Công ty CP Traphaco) cho rằng, trong những năm qua, công tác xây dựng thương hiệu của Traphaco luôn thực hiện thông qua việc phát triển các vùng dược liệu sạch, xây dựng hệ thống quản trị kênh phân phối theo phương pháp hiện đại, sử dụng các công nghệ tiên tiến trong việc thực hiện các cách thức để đưa thuốc đến tay người dân được tốt nhất...
Cũng chia sẻ về vấn đề phát triển thương hiệu, TS Declan P Bannon - Đại học Anh tại Việt Nam cho rằng, để làm được việc này các DN Việt Nam cần quan tâm nghiên cứu điều gì khiến người tiêu dùng cảm thấy dễ dàng hơn, giàu có hơn, an toàn hơn hay tốt hơn hay hạnh phúc hơn? Những thị trường nào hấp dẫn?... Tiếp đó, xác định mục tiêu, nghiên cứu mục tiêu của mình để có chiến lược tốt hơn so với đối thủ cạnh tranh, quan trọng hơn nữa là tập trung vào khách hàng thực chất của DN.
TS Bannon cũng khẳng định, việc xây dựng được thương hiệu sẽ tạo sự thuận lợi rất lớn khi bán hàng. Tuy nhiên, để xây dựng được thương hiệu thì các sản phẩm không thể có chất lượng kém. Từ việc xây dựng thương hiệu tốt cũng sẽ giúp bán hàng cấp trung và lựa chọn của người tiêu dùng thông qua sự phổ biến. Nếu người tiêu dùng vui mừng với chất lượng có chức năng, họ sẽ mua tiếp. Khi được khách hàng ưa chuộng, sản phẩm chất lượng bậc trung kết hợp với xây dựng thương hiệu tốt sẽ giúp xây dựng thương hiệu trở thành sản phẩm mong muốn, ví dụ như Lady Gaga, Rolex, Stella Artois, trường kinh doanh Harvard.