Khó thu hồi tài sản tại các đại án

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại các vụ đại án, giá trị phải thi hành rất lớn nhưng cơ quan thi hành án (THA) gặp khó khăn trong xác minh tài sản. Nhiều trường hợp qua xác minh, người phải THA không có tài sản, khiến việc thu hồi không dễ dàng.

Việc kê biên, xử lý tài sản của Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank) đang gặp khó khăn (Ảnh chụp Hà Văn Thắm tại phiên tòa phúc thẩm hồi tháng 4/2018).
Theo Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Hà Nội, một trong những nguyên nhân dẫn đến công tác THA gặp khó khăn, án tồn đọng là xuất phát từ những khó khăn trong việc thi hành các vụ đại án hình sự kinh tế tham nhũng lớn, nhất là các vụ án do Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Đây là một trong những “điểm nghẽn” của công tác THADS. Thực tế cho thấy, hầu hết các vụ đại án, giá trị phải thi hành rất lớn nhưng khó khăn trong xác minh tài sản, điều kiện của người phải THA. Nhiều trường hợp qua xác minh người phải THA không có tài sản, không có điều kiện THA hoặc có tài sản nhưng giá trị rất nhỏ so với khoản phải thi hành.
Điển hình như vụ việc thi hành Bản án hình sự sơ thẩm ngày 7/1/2016 của TAND TP Hà Nội và Bản án hình sự phúc thẩm ngày 27/12/2016 của TAND Cấp cao tại Hà Nội, đối với Phạm Thanh Tân - nguyên Tổng Giám đốc Agribank; Phạm Thị Bích Lương - nguyên Giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội cùng các đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”, với tổng giá trị phải thi hành hàng nghìn tỷ đồng. Đến nay, cơ quan THA mới chỉ thi hành được một khoản rất nhỏ. Đặc biệt, riêng cá nhân Phạm Thị Bích Lương đi tù, không tài sản, khoản còn phải thi hành hàng nghìn tỷ đồng cũng không có điều kiện thi hành. Đối với Đỗ Tiến Long (nguyên cán bộ Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội), phải thi hành hàng chục tỷ đồng nhưng phải đình chỉ do đối tượng này chết không để lại di sản thừa kế.

Tương tự, vụ án Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Lạm dụng chức vụ, quyền hạn; Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về cho vay xảy ra tại OceanBank đối với các bị cáo Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn, Hứa Thị Phấn theo Bản án hình sự phúc thẩm ngày 4/5/2018 của TAND Cấp cao tại Hà Nội và Bản án hình sự sơ thẩm ngày 29/9/2017 của TAND TP Hà Nội, tổng giá trị phải thi hành lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Việc xác minh tài sản và xử lý tài sản là cổ phiếu đã phong tỏa từ giai đoạn tố tụng cũng gặp khó khăn vì chưa xác định rõ được là tài sản chung hay tài sản riêng. Đồng thời, pháp luật quy định chưa rõ về trình tự, thủ tục xử lý, bán tài sản là cổ phiếu để THA.

Một trường hợp khác, vụ án Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) liên quan việc góp vốn của PVN vào OceanBank theo Bản án hình sự sơ thẩm ngày 29/3/2108 của TAND TP Hà Nội và Bản án hình sự phúc thẩm ngày 26/6/2018 TAND Cấp cao tại Hà Nội, tổng giá trị khoản phải thi hành hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, riêng cá nhân ông Đinh La Thăng phải bồi thường số tiền chiếm phần lớn giá trị khoản phải THA và tiền án phí ông Thăng phải nộp cũng rất lớn, hàng trăm triệu đồng. Nhưng qua xác minh ban đầu về điều kiện THA, ông Thăng và gia đình chỉ có tài sản là một căn hộ chung cư.

Tại buổi làm việc với Cục THADS TP Hà Nội mới đây, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đã đề nghị Cục THADS TP Hà Nội tập trung giải quyết các vụ việc có giá trị lớn. Đặc biệt, chú trọng THA đối với những vụ việc tham nhũng, kinh tế lớn, tập trung triển khai ngay, như vụ Phạm Thị Bích Lương, Vinashin, Vinalines, Huyền Như, Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm…