Hoạt động rao bán hàng hóa diễn ra ngày càng náo nhiệt trên các trang mạng xã hội (MXH). Vì vậy, các cơ quan chức năng từng bước tìm kiếm các phương thức để quản lý, thậm chí thu thuế từ các hoạt động này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc thực thi điều này rất khó do tính đặc thù của loại hình MXH và hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Giao dịch rao vặt, “bán hàng rong”
Bây giờ, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua một ngôi biệt thự, xe hơi tới hộp tăm, cuộn chỉ trên Facebook, Twitter, Zalo... Gọi loại hình này là bán hàng cũng được mà rao vặt cũng chẳng sai. Có biết bao bạn trẻ đã khởi nghiệp bằng những giao dịch “bán hàng rong” này. Ban đầu, bạn trẻ có món quà sinh nhật không xài nên đem chào bán trên mạng. Suôn sẻ lần đầu đã khuyến khích bạn ấy tiếp tục bán những món hàng khác. Rồi bạn ấy tìm nguồn hàng để chào bán, nhất là cho những khách hàng đã quen thuộc. Cứ vậy phát triển tới lúc bạn ấy lập đội rồi cả doanh nghiệp để kinh doanh.
|
Việc chào bán hàng hóa từ các tài khoản cá nhân trên các mạng xã hội ngày càng gia tăng Ảnh: Chánh Trung |
Có thể nói rằng hoạt động này trên các thể loại mạng ngày nay rất tưng bừng. Chỉ cần có ý tưởng và chịu khó, người ta có thể kiếm tiền trên mạng. Những người mua bán trên mạng dù là cá nhân hay tập thể, mua đi bán lại cò con hay làm ăn lớn, không hề bị lẻ loi. Họ đã có vô số dịch vụ hỗ trợ, thậm chí ăn theo. Không cần phải tốn tiền và thời gian cùng bao nhiêu sự rắc rối khác để lập một website thương mại điện tử, người ta chỉ cần tạo một tài khoản trên MXH, bài bản hơn là lập fanpage riêng hoặc tham gia diễn đàn, chợ online.
Các loại hình quảng cáo, giới thiệu sản phẩm trên mạng cũng ì xèo. Các MXH Facebook, YouTube, Twitter… giờ đây trở thành nơi quảng cáo hữu hiệu và tiện ích. Chúng hút mất ngày càng nhiều ngân sách quảng cáo mà trước đây nhà kinh doanh dành cho báo in, báo mạng, truyền hình… Không chỉ các MXH khai thác nguồn lợi quảng cáo trực tiếp từ người có nhu cầu, ngày càng có nhiều người thu quảng cáo gián tiếp trên các mạng này. Họ tạo ra những nội dung, càng hấp dẫn càng ăn tiền, đưa lên các MXH để ăn chia nguồn thu quảng cáo hay trực tiếp nhận chi phí quảng cáo từ khách hàng. Ngày càng có thêm nhiều nhân vật của công chúng dùng tài khoản MXH của mình để thu tiền từ những doanh nghiệp cần quảng cáo.
Không phải website thương mại điện tử
Không thể phủ nhận các hoạt động mua bán trên MXH đem lại những lợi ích cho cả người mua, kẻ bán lẫn các dịch vụ hỗ trợ, ăn theo. Mở rộng ra, loại hình này còn có lợi cho quốc kế dân sinh, không làm tăng mặt bằng xây dựng, giúp giảm thời gian và giảm mật độ giao thông. Trong khi đó, các cơ quan chức năng lại đau đầu vì để mất nguồn thu thuế tuy có thể nhỏ từng món nhưng tổng hợp lại thì vô cùng lớn bởi hầu hết các giao dịch trên mạng này dù là tự phát hay có bài bản đều không đóng thuế. Đây còn là một sự bất công khi những người kinh doanh đúng quy định, thậm chí những hộ kinh doanh gia đình, những sạp bán hàng ở chợ đều phải đóng thuế cùng các loại phí đầy đủ.
Nhưng liệu có thể thu thuế những người bán hàng trên MXH? Điều này đã có gì đó sai sai ngay từ cách đặt vấn đề bởi Facebook là mạng truyền thông xã hội chứ không phải là một sàn giao dịch điện tử và càng không phải là một website thương mại điện tử. Nó không hề cung cấp cơ chế kinh doanh, thanh toán hay giao chuyển hàng. Nó chỉ đóng vai trò trung gian cung cấp thông tin, đơn thuần là dạng rao vặt cho người mua, kẻ bán. Chẳng lẽ lại bắt những người đăng quảng cáo, rao vặt trên báo đài phải đóng thuế? Vấn đề mà các cơ quan chức năng phải làm việc và giải quyết với các MXH quốc tế có phủ sóng tại Việt Nam là nguồn lợi nhuận quảng cáo mà họ thu được từ các khách hàng Việt Nam.
Trong thực tế, Facebook chỉ có giá trị như một nguồn thông tin mà các “trinh sát” thuế của các cơ quan chức năng cần có để xem xét, sàng lọc và truy lần tới những người kinh doanh là đối tượng phải chịu thuế theo luật định. Ở chuyện này, các cơ quan chức năng phải có đủ năng lực để vượt qua cái rào cản vô hình là tính chất ẩn danh và trung tính của những người dùng internet. Thật ra cũng không khó trong trường hợp cụ thể này vì người bán hàng qua mạng cho dù có dùng tên ảo nhưng vẫn phải có những thông tin liên lạc cụ thể và chính xác để giao dịch. Tất nhiên không phải bất cứ ai bán hàng trên mạng cũng phải đóng thuế mà chỉ là những người kinh doanh chuyên nghiệp và có quy mô lớn. Hiện nay, không thiếu những “đại gia” kinh doanh trên MXH có doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi ngày.
Thực trạng khó quản lý nguồn thu của những người kinh doanh mạng còn là một hệ quả của bối cảnh Việt Nam có tỉ lệ giao dịch không bằng tiền mặt cực thấp. Việc truy thu thuế bằng cách yêu cầu các hệ thống ngân hàng cung cấp thông tin giao dịch càng khiến cho người ta ngại sử dụng thanh toán qua thẻ, qua ngân hàng. Tình hình này sẽ không phải đặt ra nếu quyết liệt áp dụng thanh toán không bằng tiền mặt.
Việc thu thuế các hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng nói chung là cần thiết và đúng đắn. Nhưng đây là nhiệm vụ rất khó, nhất là ở buổi ban đầu. Nó càng trở nên bất khả thi nếu các cơ quan chức năng không làm đúng theo luật định, thiếu kiên quyết và xử phạt không nghiêm minh những kẻ vi phạm. Việt Nam hầu như không thiếu luật định, thậm chí đôi khi dư thừa. Vấn đề là thực thi sao cho công bằng và nghiêm minh.
Không phải chỉ có ở Việt Nam mà là thực tế của cả thế giới, hễ ai có hoạt động kinh doanh đem lại nguồn thu thì đều là đối tượng chịu sự chi phối của luật thuế. Ở những nền kinh tế văn minh và phát triển bền vững, nhà chức trách không bao giờ tận thu mà chỉ thu đúng, thu đủ và biết nuôi dưỡng nguồn thu.
LS Trần Hồng Phong (Công ty Luật Ecolaw): Từng bước chính thức hóa hành vi thương mại Trong chuyện mua bán rong trên MXH như Facebook, chỉ riêng việc biết được chính xác ai là người bán, ai là người mua, giao dịch có diễn ra hay không là điều rất khó. Cái khó đầu tiên là chủ mạng Facebook là doanh nghiệp Mỹ, toàn bộ hệ thống kỹ thuật nằm ở nước ngoài. Kế đến là do việc tôn trọng và bảo mật thông tin cá nhân là một quy định mang tính nguyên tắc của Facebook. Mà đã không biết ai là ai thì việc truy thu thuế trong mua bán rong trên mạng dĩ nhiên rất khó. Tuy nhiên, về nguyên tắc, tôi ủng hộ việc từng bước phải “chính thức hóa” hành vi thương mại của người bán, tiến tới phải đăng ký. Điều này trước hết tạo nên uy tín người bán, sau là bảo đảm quyền lợi người mua, hiệu quả mua bán sẽ càng tăng lên. Facebook thực chất đóng vai trò như một phương tiện kỹ thuật, là trung gian để thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa giữa các bên chứ không phải là bình phong để “che giấu” các giao dịch ngầm, trái pháp luật. Mặt khác, khi mua bán có tính chuyên nghiệp, doanh số cao, lợi nhuận lớn thì việc đóng thuế (có thể là thuế thu nhập cá nhân hay thuế GTGT) cũng là điều hợp lý và công bằng vì pháp luật nước nào cũng quy định kinh doanh phải chính danh và đóng thuế. Theo tôi, trước mắt nhà nước cần ban hành những quy định mang tính nguyên tắc và khả thi. Chẳng hạn khuyến khích người bán công khai địa chỉ, nguồn gốc hàng hóa; tự giác khai báo và đóng thuế thu nhập cá nhân (đối với cá nhân), nếu có, trên cơ sở phù hợp với pháp luật hiện hành. Tiến tới quy định phải đăng ký nếu quy mô kinh doanh lớn (chẳng hạn doanh số trên 100 triệu đồng/tháng). |