Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó từ thực tiễn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quá tải bệnh viện (BV) luôn là vấn đề "nóng" và gây bức xúc cho bệnh nhân. Nhiều giải pháp dù đã được Bộ Y tế ráo riết triển khai, nhưng chưa mang lại hiệu quả cao.

Đề án BV vệ tinh đang được xem là một hướng mở triển vọng có thể giúp giải quyết bài toán quá tải một cách căn cơ.

Kỳ vọng giảm tải

Từ đầu năm 2013 đến nay, Đề án BV vệ tinh tiếp tục được triển khai và thực hiện ở 14 BV đầu ngành cả nước. Trong số đó có 8 BV trực thuộc Bộ Y tế, gồm BV Việt Đức, Bạch Mai, T.Ư Huế, E, Chợ Rẫy, K, Nhi T.Ư, Phụ sản T.Ư. Ngoài ra, 6 BV trực thuộc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng được chọn là BV hạt nhân (BV Nhân dân Gia Định, Từ Dũ, Chấn thương chỉnh hình, Ung bướu, các BV Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2) để chuyển giao kỹ thuật.

 
Bệnh nhân chờ khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Hải Lý
Bệnh nhân chờ khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Hải Lý
Đề án BV vệ tinh đã tập trung vào 5 chuyên khoa "nóng": Ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi. Tại BV Nhi T.Ư, TS Đặng Tự - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến cho biết, đối với lĩnh vực nhi khoa hiện nay, chuyên ngành quá tải là hô hấp, cấp cứu, tim mạch, sơ sinh, ngoại nhi. Vì vậy, BV nhi T.Ư tập trung thực hiện đề án BV vệ tinh cũng ưu tiên các lĩnh vực trên về đào tạo nhân lực và chuyển giao các gói kỹ thuật phù hợp với tình hình địa phương. Riêng chuyên khoa ung thư, hiện BV K cũng đã và đang ráo riết thực hiện để đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Còn BV Bạch Mai, PGS.TS Mai Trọng Khoa - Phó Giám đốc BV cho biết: "Đối với BV Bạch Mai, chuyên ngành tim mạch và ung bướu được ưu tiên và triển khai sâu rộng nhất. Đến thời điểm này, đề án đã được triển khai tại BV Xanh pôn (Hà Nội); BV Đa khoa Hòa Bình; Lào Cai; Ninh Bình; Phú Thọ; Quảng Ninh; Vĩnh Phúc; Thanh Hóa; Hà Tĩnh…". Ông Khoa kỳ vọng, đề án này sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao năng lực tuyến dưới, giảm quá tải cho tuyến trên.

Đánh giá hiệu quả mô hình BV vệ tinh, ông Cao Hưng Thái - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng: "Tất cả các BV vệ tinh đều nhận thấy đầu tư của dự án đã mang lại hiệu quả rõ rệt, nâng cao năng lực chuyên môn, tăng khả năng cấp cứu và điều trị bệnh nhân tại BV".

Vẫn nhiều khó khăn

Đề cập đến khó khăn cho việc triển khai đề án, ông Cao Hưng Thái thẳng thắn cho biết, mặc dù Đề án BV vệ tinh rất cần thiết để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhưng việc thực hiện không đơn giản. "Hiện cơ sở vật chất của nhiều BV tuyến dưới xuống cấp, trang thiết bị thiếu, không đồng bộ, nhân lực BV vệ tinh thiếu… nên việc triển khai kỹ thuật ở nhiều địa phương chưa như mong đợi" - ông Thái cho hay. Ngay từ khi triển khai đề án BV vệ tinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu, các BV tuyến trên khi đã chuyển giao gói kỹ thuật nào cho tuyến dưới, bắt buộc tuyến dưới phải thực hiện được kỹ thuật đó. BV tuyến trên không được nhận bệnh nhân của BV vệ tinh mà mình đã chuyển giao kỹ thuật. Vậy nhưng theo lãnh đạo nhiều BV địa phương, việc nhận chuyển giao gói kỹ thuật đã khó, việc triển khai thực càng khó hơn trong điều kiện kinh phí, nhân lực vô cùng thiếu thốn như hiện nay.

Bên cạnh đó, nguốn vốn để triển khai BV vệ tinh vẫn là câu chuyện nan giải. Bởi thực tế, ngoài nguồn vốn T.Ư, việc các địa phương phải "co kéo" để chia "miếng bánh" ngân sách, phân bổ đầu tư cho y tế trong thời điểm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay đang là "bài toán khó". Cho nên, trong thời gian chờ đợi sự thành công của Đề án BV vệ tinh, chắc chắn, bệnh nhân sẽ phải tiếp tục gian nan vượt tuyến khám chữa bệnh.

 
Dự án BV vệ tinh được thực hiện trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2013 - 2015): Bộ Y tế sẽ đầu tư cho 48 BV tuyến tỉnh (là BV vệ tinh của 14 BV hạt nhân); Giai đoạn 2 (2016 - 2020), Bộ Y tế sẽ căn cứ vào thực trạng quá tải BV và điều kiện kinh tế để có kế hoạch điều chỉnh cụ thể. Tổng ngân sách dự kiến cho dự án là 1.707,75 tỷ đồng, trong đó, vốn T.Ư 712,23 tỷ đồng, vốn đối ứng của các BV là 995,52 tỷ đồng.