Kinhtedothi - Thời gian qua, hàng loạt vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) bị phát hiện khiến người tiêu dùng (NTD) không khỏi hoang mang. Tuy nhiên, do lợi nhuận cao, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe nên việc xử lý tình trạng sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng hóa không bảo đảm chất lượng ATTP vẫn gặp khó.
Siêu thị cũng có thực phẩm không đảm bảo
Những thực phẩm không đảm bảo ATTP liên tục bị phát hiện tại siêu thị, chợ dân sinh trong thời gian gần đây khiến người tiêu dùng càng thêm lo. Cụ thể tại siêu thị Lotte Mart (quận Ba Đình), lực lượng chức năng phát hiện một túi phụ gia thực phẩm trọng lượng 7kg đã hết hạn sử dụng ở trong kho, không có cảnh báo chờ tiêu hủy. Tại siêu thị VinMart Royal City (quận Thanh Xuân), phát hiện 12kg đùi gà không đạt tiêu chuẩn; thịt trâu, bò chưa có dấu kiểm dịch thú y. Tại thời điểm kiểm tra, siêu thị chưa xuất trình hợp đồng mua bán thực phẩm với nhà cung cấp. Ngay cả một trong những siêu thị lớn nhất Việt Nam như Metro, đội Quản lý thị trường (QLTT) số 15, Chi cục QLTT Hà Nội cũng đã phát hiện sản phẩm hết hạn sử dụng như: Sữa chua Proby, kem Tràng Tiền “nhái” nhãn mác…
Lực lượng chức năng kiểm tra VSATTP tại siêu thị BigC. Ảnh: Thắng Văn
|
Báo cáo của Cục QLTT, Bộ Công Thương cho thấy, từ đầu năm đến nay đã phát hiện, xử lý 55.234 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, trong đó có thực phẩm bẩn. Riêng Chi cục QLTT Hà Nội đã xử lý 753 vụ vi phạm về ATTP, phạt hành chính 4,29 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tiêu hủy là 7,3 tỷ đồng. Thực tế cho thấy, dù đã tăng cường việc ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng vi phạm ATTP, nhưng công tác quản lý ATTP vẫn gặp rất nhiều khó khăn bởi quy trình sản xuất, chăn nuôi, giết mổ quy mô nhỏ chiếm số lượng lớn. Trên địa bàn Hà Nội chỉ có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp lớn, trong khi có đến 2.491 cơ sở giết mổ nhỏ nằm lẫn trong khu dân cư.
"Để đảm bảo hiệu quả quản lý đòi hỏi các cơ quan, ban ngành phải ban hành các văn bản pháp luật đáp ứng yêu cầu tính đồng bộ, khoa học, công khai và minh bạch. Tăng cường tuyên truyền về chất lượng, ATTP cho người dân, người sản xuất, kinh doanh; Cần kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quy định về sản xuất, kinh doanh thông qua việc tăng tần suất, quy mô của các đợt kiểm tra. Phối hợp chặt chẽ và đồng bộ với các cơ quan liên quan để quản lý theo chuỗi thực phẩm từ khâu nuôi trồng, giết mổ, sản xuất, vận chuyển, nhập khẩu đến thức ăn chế biến, kinh doanh." - TS Lê Thùy Dương - Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân |
Cũng phải nói rằng, ngành chăn nuôi, trồng trọt của Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 30 - 40% nhu cầu tiêu dùng, lượng thực phẩm còn lại do các tỉnh lân cận cung ứng. “Chính vì vậy công tác kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y chủ yếu mới thực hiện được tại các cơ sở giết mổ lớn, siêu thị, chợ đầu mối… Nếu tiến hành kiểm tra, giám sát đầy đủ trên diện rộng, đòi hỏi rất nhiều nhân lực trong khi lực lượng QLTT, thú y không đủ người để đáp ứng” -ông Chu Xuân Kiên - Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho hay.
Nhiều “mánh khóe” qua mắt lực lượng chức năng
Thực tế cho thấy, hoạt động vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu không bảo đảm an toàn từ các địa phương khác vào Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp. Các loại thực phẩm bẩn được nhập khẩu từ bên kia biên giới với mức giá gần như… cho không, khiến các thương lái bất chấp tính mạng, sức khỏe của NTD để kiếm lợi nhuận. Trao đổi về các “mánh khóe” nhằm qua mắt lực lượng chức năng của thương lái, ông Lê Quốc Dũng - Đội trưởng Đội QLTT số 15, Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, dân buôn bán, vận chuyển hàng vi phạm ATTP bằng xe ôtô được thiết kế thùng xe thành 2 ngăn, 2 đáy để giấu thực phẩm không rõ nguồn gốc. Với những trường hợp vận chuyển bằng xe máy, nếu bị truy đuổi, các đối tượng sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người”. “Đặc biệt, sản phẩm động vật từ các tỉnh đưa về Hà Nội thường tránh né các trạm, chốt kiểm dịch, thậm chí có đối tượng còn “trộn” hàng vi phạm ATTP với hàng đã qua kiểm định để qua mắt lực lượng chức năng” - ông Dũng cho hay. Trong khi đó, ý thức chấp hành các quy định của người sản xuất, kinh doanh chưa cao, nên tại một số chợ trên địa bàn TP vẫn diễn ra tình trạng buôn bán sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch.
Thí điểm lập đoàn thanh tra ATTP cấp quận, phường
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ra Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg phê duyệt đề án thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Theo đó, mỗi TP lựa chọn 5 đơn vị hành chính cấp quận, mỗi đơn vị cấp quận lựa chọn 2 đơn vị cấp phường để triển khai thí điểm việc Đoàn thanh tra ATTP cấp quận, phường được phép xử phạt (tiền xử phạt được phép giữ lại 100% phục vụ công tác thanh, kiểm tra). Thanh tra chuyên ngành về ATTP cấp quận, phường phải có ít nhất một năm kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan đến quản lý ATTP, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra. Thời gian thanh tra không quá 45 ngày, thời gian thực hiện thí điểm một năm.
|
Chế tài chưa đủ sức răn đe
Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), sau gần một năm triển khai Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT về đảm bảo ATTP ở 40/63 tỉnh, TP, qua tái kiểm tra hơn 700 cơ sở giết mổ, chỉ có một cơ sở cải thiện được về ATTP. Như vậy, tình trạng không đảm bảo ATTP tại các cơ sở giết mổ vẫn còn phổ biến, nhưng các cơ quan địa phương chỉ nhắc nhở, khiển trách, chưa có biện pháp xử lý răn đe.
Ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục QLTT, Bộ Công Thương lý giải, do chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, nên đối tượng vẫn vi phạm. “Nghị định 178/2013/NĐ-CP ghi rõ, đối với hành vi vận chuyển, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc thì mức xử phạt chỉ từ 3 - 5 triệu đồng. Trong khi đó, việc kinh doanh thực phẩm “bẩn” có mức lợi nhuận cao nên đối tượng vi phạm sẵn sàng bỏ ra 3 triệu đồng để nộp phạt nếu bị bắt giữ” - ông Lam phân tích. Còn theo ông Trần Hùng - Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, mặc dù việc buôn bán, sử dụng thực phẩm “bẩn” ảnh hưởng lớn đến sức khỏe NTD, nhưng theo quy định của Bộ luật Hình sự, trường hợp vi phạm về ATTP phải gây hậu quả chết người hoặc thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe thì mới bị khởi tố hình sự. Do đó, nếu bị phát hiện trên đường vận chuyển, các đối tượng chỉ bị xử lý hành chính, tịch thu hàng hóa vi phạm, điều đó không đủ sức răn đe người vi phạm. Trong dự thảo Luật Thú y không có quy định về kiểm dịch vận chuyển nội tỉnh, thịt ngoại tỉnh sẽ thoải mái lưu thông, chưa có quy định xử lý đối với thịt lợn, bò bơm nước chưa kịp giết mổ, như vậy, ngành thú y sẽ không có công cụ để quản lý.
Thực tế kiểm tra các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trong thời gian qua cho thấy, nhiều cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, nhưng trong quá trình sản xuất, không duy trì, bảo đảm điều kiện như khi thẩm định. Thêm nữa, nhận thức về ATTP của NTD chưa cao, nhất là ở nông thôn, nên đây vẫn là nơi tiềm ẩn mối nguy về sức khỏe của NTD.
Nhằm ngăn chặn tối đa tình trạng vận chuyển, tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm không đảm bảo ATTP, ông Chu Xuân Kiên kiến nghị, bên cạnh việc đẩy mạnh kiểm tra các siêu thị, chợ đầu mối, các tỉnh bạn cần kiểm soát hoạt động giết mổ; Đồng thời hướng dẫn và có chính sách hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi, đưa thịt về Hà Nội có phương tiện vận chuyển bằng xe lạnh. Và thực tế cũng cho thấy, muốn loại bỏ thực phẩm không đảm bảo, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, bản thân NTD cũng cần ưu tiên lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng; khi phát hiện vi phạm ATTP cần báo ngay với cơ quan chức năng.
"Hiện trên địa bàn Hà Nội, số lượng cửa hàng nhận là bán rau an toàn lên đến hàng ngàn điểm, đồng nghĩa với việc, có không ít cửa hàng chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh rau an toàn vẫn đang tồn tại. Nguyên nhân là do cơ chế quản lý của cơ quan liên ngành vẫn chưa thực sự chặt chẽ, nguồn gốc và quy trình sản xuất, tiêu thụ các cửa hàng rau an toàn. Ngoài ra nhận thức về vấn đề ATTP từ các cấp quản lý đến người tiêu dùng vẫn chưa đầy đủ, dẫn đến thiếu trách nhiệm với cộng đồng và các nguồn lực xã hội đầu tư cho vấn đề này thấp." - Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội |