Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khoa học công nghệ giúp tăng thu nhập cho nông dân thêm 25%

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 6/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia đã chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 và việc thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn 2016 - 2020.

Toàn cảnh hội nghị
Đầu năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới (Chương trình) tại Quyết định số 27/QĐ-TTg với tổng kinh phí cấp từ ngân sách Nhà nước là 221 tỷ đồng. Nhờ làm tốt công tác xã hội hóa, Chương trình đã huy động được kinh phí đóng góp của các DN 165 tỷ đồng.
Theo Bộ NN&PTNT, Chương trình triển khai chậm chạp trong những năm đầu vì vướng nhiều khó khăn trong thủ tục hành chính, giải ngân vốn nhưng đã nỗ lực triển khai được 69 đề tài, dự án. Các nhiệm vụ đều bám sát các mục tiêu và 6 nhóm nội dung được giao tại Quyết định 27/QĐ-TTg và nhu cầu cấp bách của xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Bộ NN&PTNT đánh giá Chương trình đã đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu được giao, đóng góp thiết thực cả về cơ sở lý luận, cơ chế, chính sách và chuyển giao ứng dụng có hiệu quả.

Chương trình đã nghiên cứu mô hình, chuyển giao và thực hiện được khoảng 150 mô hình trong nhiều lĩnh vực, nhất là trồng trọt, thủy lợi, cải thiện điều kiện môi trường, ứng dụng năng lượng tái tạo… Đặc biệt, có nhiều mô hình hiệu quả cao về liên kết DN - nông dân trong sản xuất nông, lâm, thủy sản. Các mô hình đã giúp tăng năng suất cây trồng 30 - 35% đối với rau màu, 10 - 15% đối với lúa, tăng thu nhập của người dân tham gia dự án trên 25%; nâng cao giá trị sử dụng đất sản xuất nông nghiệp đến 133 - 500 triệu đồng/ha/năm nhờ chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng ở các mô hình liên kết sản xuất. Nông dân ở nhiều địa phương đã được hưởng lợi từ các mô hình này.

Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cũng cho biết Chương trình còn gặp một số hạn chế như thủ tục hành chính trong tuyển chọn, phê duyệt đề tài, dự án kéo dài và kinh phí hạn hẹp. Đến hết năm 2015 còn 49 đề tài, dự án phải triển khai thực hiện trong 2 năm chuyển tiếp 2016 - 2017.

Một số đề tài, dự án còn tản mạn, chưa tập trung nhiều vào các trọng tâm cấp bách xây dựng nông thôn mới. Một số kết quả nghiên cứu chất lượng chưa cao hoặc chậm được chuyển giao để sử dụng, tác động và hiệu quả đối với thực tế còn hạn chế. Nguyên nhân Chương trình được triển khai chậm là do phải mất thời gian chờ hoàn tất các cơ sở pháp lý. Kinh phí cấp cho các nhiệm vụ cũng muộn, chính thức từ năm 2015.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham quan gian hàng bên lề hội nghị. Ảnh: Báo Vĩnh Phúc.
Để rút kinh nghiệm và triển khai hiệu quả Chương trình trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ NN&PTNT cho rằng cần sớm hoàn thành xây dựng các văn bản pháp quy để kịp thời triển khai thực hiện Chương trình. Việc đề xuất nhiệm vụ phải bám sát khung mục tiêu, nội dung của Chương trình, chỉ đạo của Trung ương, nhu cầu thực tế từ các địa phương. Tăng cường liên kết, phát huy vai trò của DN, hợp tác xã và nông dân tham gia các đề tài, dự án. Có phương thức thích hợp để tổ chức nông dân, trực tiếp mang lại lợi ích cho họ, thông qua đó nhân rộng có hiệu quả các mô hình. Có cơ chế lồng ghép nguồn lực của các ngành khoa học và công nghệ, các chương trình khoa học công nghệ các cấp trong cả nước phục vụ mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Biểu dương những thành tựu đã đạt được, đồng thời, chỉ ra những tồn tại trong quá trình thực hiện Chương trình giai đoạn 2012 - 2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu trong thời gian tới, Chương trình cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm.

Đó là: Xác định rõ tiêu chí lựa chọn đề tài, dự án để đảm bảo sự chặt chẽ trong quá trình tuyển chọn, tránh dàn trải, tập trung được nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm; sớm hoàn thiện, bổ sung các văn bản pháp quy để kịp thời triển khai thực hiện Chương trình; có những đề tài, mô hình đóng góp thiết thực cho Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư; gắn nghiên cứu mới với đúc kết bài học kinh nghiệm trong và ngoài nước.
Đặc biệt, các đề tài nghiên cứu ứng dụng, các dự án xây dựng mô hình nhất thiết phải có hiệu quả thực tế, góp phần làm sáng tỏ các cơ sở khoa học và thực tiễn để giải quyết những vướng mắc trong xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành. Có cơ chế lồng ghép nguồn lực của các Chương trình Khoa học công nghệ các cấp trong cả nước phục vụ mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nhất là phối hợp có hiệu quả với 3 Chương trình Khoa học công nghệ vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; ưu tiên nghiên cứu xây dựng các mô hình nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới đặc thù và các dự án xây dựng mô hình ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người.