Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khoảng lặng trong cuộc sống

Đan Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều người hay than phiền, cuộc sống của họ không thể nói là bất hạnh, nhưng cũng chưa hẳn là hạnh phúc.

Bởi ngày qua ngày, như một cái máy, họ tua đi tua lại những công việc của vòng quay được “lập trình” sẵn và có khi mỗi người còn quên đi cả những cảm nhận của người bên cạnh.
 Ảnh minh họa.
Sáng dậy sớm chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà, cho con ăn uống, đưa con đi học, đến cơ quan. Chiều về đón con, lao vào bếp núc. Tối cho con học bài, đi ngủ, rồi lại quay sang dọn dẹp nhà cửa… Một người phụ nữ kể về một ngày của mình, sau gần chục năm lấy chồng, càng ngày chị càng thấy cuộc sống của gia đình nhàm chán với những vòng luẩn quẩn quen thuộc. Chồng chị, thời gian ở cơ quan nhiều hơn ở nhà. Dù chị biết rằng, công việc bận rộn cuốn cả hai người đi nhưng chị cũng thấy rằng bản thân họ đều thấy mệt mỏi mỗi khi trở về nhà. Tổ ấm không còn là nơi mỗi người muốn hướng về khi tan ca. Hai vợ chồng chị không biết từ bao giờ chỉ còn trao đổi với nhau những thông tin về con cái, tiền bạc, bố mẹ hai bên. Những phút giây tâm tình gần gũi, chia sẻ niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống đối với họ thật xa lạ. Một chút cố gắng thay đổi của chị cho gia đình như trang hoàng lại nhà cửa, mua sắm thêm đồ dùng vật dụng... cũng chẳng được anh bận tâm. Cả hai chỉ thực sự cảm thấy vui vẻ khi gặp gỡ bạn bè.

Cũng bởi thế, họ bắt đầu đi tìm cho mình một niềm vui mới ở bên ngoài, một nơi có thể thỏa mãn được mong muốn và nhu cầu làm vui đời sống tinh thần của họ hàng ngày. Nhưng điều đó cũng không làm cho mái ấm của họ vui hơn, mà những khoảng lặng trong cuộc sống cứ vậy kéo dài mãi. Niềm vui và sự sáng tạo trong đời sống vợ chồng gần như biến mất, dần dần khiến cả gia đình cảm thấy mệt mỏi.

Những khoảng lặng trong cuộc sống còn đến bởi sự thờ ơ, vô tâm. Như một người đàn ông kể, sau khi cuộc hôn nhân gần mười năm lùi lại phía sau như một giấc mơ dài, anh bắt đầu sống chậm lại. Anh mới tự nhận ra rằng, dường như trước nay mình chưa từng bao giờ dừng lại, để nhìn nhận, để suy xét thì phải. Anh ngỡ ngàng nhận ra mình đã không hiểu nhiều về người phụ nữ bao năm sống bên cạnh. Cô ấy vui gì, buồn gì, bận rộn gì, mơ ước gì, gặp chuyện khó khăn gì... anh thờ ơ không hề biết. Trước đó, anh cứ nghĩ, mình lo đi làm, hàng tháng đưa tiền về cho vợ là đã đầy đủ bổn phận, còn gì để kêu ca, phàn nàn, đòi hỏi nữa chứ. Ngay cả số tiền đó thiếu, đủ thế nào anh cũng ít quan tâm. Chỉ đến bây giờ, anh mới nhận ra, hình như mình chỉ biết nhận, mà chẳng hề cho đi, đã tự làm nguội lạnh nơi được gọi là mái ấm.

Người đàn ông đó bảo, “không phải tôi không yêu quý gia đình, nhưng hình như tôi đã quá coi nhẹ những va chạm vụn vặt, những vui buồn mà gia đình nào cũng có. Và tôi đã quên tạo niềm vui cho mái ấm của mình”. Bây giờ, anh đã lý giải được cái nguyên nhân vợ anh đưa ra khi chia tay, đó là “cuộc sống mệt mỏi chán nản”. Anh đang lặp lại cái vòng quay đã quen thuộc với vợ anh cả chục năm. Anh đã hiểu và thấm thía hơn cái cảm giác cô đơn trong chính ngôi nhà mình, cô đơn ngay bên cạnh người thân của vợ, cái cảm giác nhàm chán trong một cuộc hôn nhân nhạt nhẽo.

Những người biết cách nuôi dưỡng tình yêu sẽ có cơ hội duy trì hạnh phúc lâu dài hơn những ai không chủ động sưởi ấm cho tổ ấm một cách liên tục. Điều đó nghe có vẻ lý thuyết, nhưng thực tế cuộc sống gia đình cần phải có sự làm mới với những niềm vui. Cuộc sống gia đình sẽ rơi vào chán nản và có nguy cơ tan vỡ nếu hai người nhìn nhau mà không thấy có gì mới, ngày nào cũng trôi qua như ngày nào. Cả hai nặng nề, buồn chán trong suy nghĩ… để rồi đi kiếm tìm niềm vui ở những nơi khác.

Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, để giải quyết vấn đề này, trước tiên cần gạt xa tư tưởng “đã là vợ chồng thì cần gì phải quan trọng những gì mới mẻ”. Bởi ngay cả lúc chỉ có hai vợ chồng, cũng cần phải tạo được điều mới lạ, bất ngờ cho bản thân và những người xung quanh. Có thể chỉ là những niềm vui nhỏ nhặt như cùng nhau chuẩn bị bữa cơm, cùng nhau đưa con đi chơi, hay chỉ đơn giản là ngồi xem với nhau một bộ phim…, thay vì việc ai nấy làm, thân ai nấy lo. Từ đó, hai vợ chồng cảm thấy gần gũi nhau hơn, chuyện trò cũng thân tình, cởi mở hơn. Việc tự ý thức trong việc tạo niềm vui cho nhau, không quá thờ ơ với những điều tưởng như là đương nhiên phải thế sẽ tạo thêm những phút giây vui vẻ, thoải mái bên nhau, sự sẻ chia trong cuộc sống sẽ xóa đi những khoảng lặng.