Họa sỹ Lê Đức Biết (sinh năm 1948) thuộc thế hệ sinh viên đầu tiên của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Trong thời gian 1966-1973, ông tập kết ra Bắc.
“4W” là cách gọi tắt của Tiến sỹ Nguyễn Đức Tiến về nội dung cụ thể của những bức tranh trực họa ấy: Những nhân vật tham gia cuộc chiến tranh là ai ? (Who?) Ai sống và sống thế nào, ở đâu trong cuộc chiến tranh? (Where?) Tại sao phải tham gia chiến tranh? (Why?)….
Một bức ký họa trong bộ sưu tập (Ảnh: Phương Mai/Vietnam+)
Bức tranh về đời sống chiến đấu, sản xuất của quân dân miền Bắc giai đoạn 1966-1973 nhờ thế trở nên hoàn chỉnh, sâu sắc và sống động.
Ký họa đòi hỏi người vẽ tức thì nắm bắt cho được đặc điểm, hơn thế thần sắc vốn có của con người và cảnh vật.. Các tác phẩm ký họa, trực họa một thời chiến tranh ở hai tọa độ lửa Ninh Bình, Hàm Rồng,… của họa sỹ Lê Đức Biết được vẽ theo tiêu chí đó.
Cảm hứng sáng tạo của một người trong cuộc trẻ trung, chân thành và tươi nguyên trong cảm xúc đã tiếp sức cho nét bút sống động. Người họa sỹ đã “chộp được,” khai thác vẻ đẹp vốn có của con người và cảnh vật trên các chiến hào. Cái tình, cái đẹp đã tạo nên nét duyên, sức hấp dẫn trong các sáng tác của Lê Đức Biết.
Những tác phẩm của ông đã thức dậy những kỷ niệm đẹp về một thời chiến tranh. Có những bức họa đã ra đời từ cách đây 40 năm nhưng cho đến nay, vẫn vẹn nguyên giá trị. Ở đó, người xem thấy được thời khắc “Sau giờ trực chiến,” niềm “Hạnh phúc người lính” trong câu “Chuyện tình ngày ấy,”…
Giá trị của những bức ký họa trước hết được khẳng định bởi tính chân thực lịch sử của nó. "Ngay sau khi các sự kiện diễn ra, người họa sỹ đã 'lao' ngay ra thực địa, ghi lại những cảnh thật, người thật," Tiến sỹ Tiến cho biết.
Tự nhận mình là một “tay mơ” và “liều lĩnh” khi vốn xuất thân không thuộc giới hội họa nhưng với thái độ nghiêm túc, trân trọng những giá trị lịch sử, nghệ thuật, tiến sỹ Nguyễn Đức Tiến chia sẻ: “Khi thực hiện cuộc trưng bày này, tôi hy vọng thể hệ trẻ có điều kiện để hiểu hơn lịch sử hào hùng của cha ông.”
Cuộc trưng bày kéo dài tới hết ngày 25/12 tại số 55 Trần Quốc Toản.