Sáng 11/5, tại buổi giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, trước tình hình dịch bệnh hiện nay, ông nhận được nhiều câu hỏi về việc đã cần phải có những biện pháp chống dịch mạnh hơn như giãn cách xã hội hay chưa. Theo Phó Thủ tướng, để thực hiện “mục tiêu kép”, phải cân nhắc giữa áp dụng cách ly, giãn cách xã hội, khoanh vùng dập dịch và phát triển kinh tế, xã hội. Phó Thủ tướng khẳng định, đến thời điểm này, chưa cần thiết thực hiện giãn cách xã hội.
“Quan điểm xuyên suốt của Ban Chỉ đạo từ trước đến nay là khoanh vùng nhanh nhất và gọn nhất có thể. Trường hợp khoanh vùng nhanh nhất nhưng chưa đủ chứng cứ để khoanh gọn thì tạm thời khoanh rộng hơn nhưng chúng ta phải khẩn cấp xác định những yếu tố dịch tễ để nếu có thể thì thu hẹp phạm vi khoanh vùng” - Phó Thủ tướng nói và lưu ý một số khâu.
Thứ nhất, chủ động chuẩn bị lực lượng, vật tư, thiết bị theo kịch bản chung của toàn quốc. Trước đây, Chính phủ giao Bộ Y tế chuẩn bị cho kịch bản 10.000 ca nhiễm, nhưng do biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và tình hình quốc tế phức tạp hơn, Chính phủ đã giao Bộ Y tế xây dựng kịch bản cho tình huống có 30.000 ca nhiễm. Căn cứ kịch bản chung, Bộ Y tế sẽ hướng dẫn xuống các tỉnh để chuẩn bị. Thứ hai, dựa trên các biện pháp chuyên môn các tỉnh có biện pháp phù hợp, chống dịch an toàn, thực hiện “mục tiêu kép”.
Đối với Hà Nội dù chưa giãn cách nhưng áp dụng nhiều biện pháp như yêu cầu người dân không ra đường khi không cần thiết, cấm tụ tập đông người, đóng cửa các quán bar, karaoke, hàng ăn vỉa hè, các nhà hàng bia, quán bia, giải tán chợ tạm, cho học sinh nghỉ học…
Trước nhiều ý kiến đề xuất về việc giãn cách xã hội, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, “còn đánh giá được nguy cơ thì chưa cần thiết phải giãn cách để tránh gây ảnh hưởng tới tâm lý người dân”. Quyết định giãn cách, theo ông Phu được thực hiện khi các địa phương không kiểm soát được yếu tố nguy cơ và dịch lây lan trong cộng đồng lớn. Hiện các ổ dịch đều đang trong tầm kiểm soát và điều tra được nguồn lây. “Nguy cơ ở đâu, khoanh vùng ở đấy. Tránh phong tỏa trên diện rộng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân” - PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phu, việc Hà Nội chưa thực hiện giãn cách là đúng với chủ trương của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia, với đúng tinh thần Thủ tướng chỉ đạo là bình tĩnh, không hoang mang và vững vàng chống dịch.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, hiện nay tình hình dịch bệnh tuy căng thẳng nhưng các cơ quan chức năng của Hà Nội vẫn thực hiện tốt, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch với quyết tâm cao. Đến thời điểm này, Hà Nội cơ bản kiểm soát được các nguồn lây.
Khóa chặt từng ổ dịchĐối với Hà Nội, hiện có 4 ổ dịch lớn bao gồm, ổ dịch từ Đà Nẵng, Yên Bái, Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều) và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Từ những ổ dịch này đã lây lan ra 26 tỉnh, TP với hàng trăm ca mắc Covid-19. Điều đáng lo ngại, là hiện Việt Nam đang lưu hành nhiều chủng virus biến thể, trong đó có chủng của Anh và Ấn Độ có độ lây lan nhanh. Vì vậy, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nhiệm vụ đặt ra cấp bách lúc này là phải tăng cường xét nghiệm trên diện rộng, xét nghiệm các ổ dịch và vùng lân cận để bao vây, xử lý ổ dịch. Phát hiện dịch đến đâu khoanh vùng ở đó, việc này phải làm khẩn trương, nếu không, khi dịch lan rộng thì khó bề kiểm soát nổi.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cũng cho biết, các chùm ca bệnh hiện nay, với sự thần tốc truy vết, bao vây, xử lý dịch kịp thời, đến nay đã cơ bản kiểm soát được lây nhiễm. Hà Nội đã nâng công suất xét nghiệm gấp 10 lần, từ 3.000 mẫu/ngày tăng lên 30.000 mẫu/ngày và sẽ tiếp tục nâng công suất xét nghiệm để đáp ứng yêu cầu thần tốc truy vết, xét nghiệm nhanh, mở rộng xét nghiệm sàng lọc ở khu vực nguy cơ cao.
Đề cập đến tình hình dịch bệnh trên cả nước đến thời điểm này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Tuyên cho rằng, cơ bản các địa phương vẫn đang kiểm soát tình hình dịch Covid-19. Đại đa số các ca bệnh đều xác định được nguồn lây. Số ca bệnh tăng nhanh trong những ngày qua hầu hết từ các trường hợp F1, đã được khoanh vùng, cách ly, nên khả năng lây ra cộng đồng thấp. “Thời gian tới, phải tiếp tục tuân thủ nghiêm những nguyên tắc phòng chống dịch là: Ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch và điều trị. Phải chuyển tâm thế chống dịch sang “chủ động tấn công” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Xuân Tuyên, dù dịch bệnh đã cơ bản khống chế được, nhưng tuyệt đối không được chủ quan, mà cần nâng cao cảnh giác, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và thông điệp 5K.
Sẵn sàng mọi tình huốngTheo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, TP đang triển khai đồng bộ các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh đồng thời sẵn sàng các kịch bản để ứng phó. Nếu diễn biến dịch phức tạp hơn, cũng không bị động, lúng túng.
Ngoài việc kiểm soát các ổ dịch trong nước, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, nguy cơ dịch Covid-19 lây nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam là rất lớn. Bộ Y tế đề nghị các địa phương đề cao cảnh giác, tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn, đồng thời chuẩn bị các kịch bản trong tình huống dịch lan rộng. Ngành Y tế cũng đã chuẩn bị các kịch bản ứng phó, kể cả khi có sự lây nhiễm mạnh trong cộng đồng và cả những tình huống xấu nhất là dịch bùng phát trong các cơ sở y tế.
Bộ trưởng cũng cho rằng, đến nay chưa có bất cứ đánh giá nào đầy đủ của các nước trên thế giới về dịch Covid-19, tuy nhiên nhìn chung đến nay có thể thấy nhiều khó khăn trong cuộc chiến chống dịch, và chưa biết dịch còn kéo dài đến bao giờ. Vì vậy, chúng ta luôn phải ở trong tâm thế sẵn sàng đương đầu chiến đấu với dịch bệnh. Về nguyên tắc phòng chống dịch, Việt Nam vẫn giữ 5 nguyên tắc là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch và điều trị hiệu quả. Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương rà soát lại tất cả các kịch bản phòng chống dịch, trong đó phải đề cập đến tình huống xấu nhất để có phương án ứng phó.
Chính phủ kêu gọi người dân nhận thức được ý thức, trách nhiệm, trước hết với chính mình, người thân, rồi đến cộng đồng, đất nước thực hiện đầy đủ nghiêm túc tất cả các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt, Việt Nam như “cánh đồng trũng”, bên ngoài “sóng to, gió lớn” chúng ta phải “bao đê cho chặt”, kiểm soát chặt chẽ người xuất nhập cảnh. Mỗi lần rà soát lại, những gì còn chưa kín kẽ ở khâu kiểm soát xuất nhập cảnh thì phải hoàn thiện. Chính phủ cũng kêu gọi mọi người dân cùng tham gia ngăn chặn, phát hiện người nhập cảnh trái phép, khi phát hiện, thông báo kịp thời cho cơ quan chức năngPhó Thủ tướng Vũ Đức Đam |